Khám phá nét độc đáo của Lễ hội đình Trà Cổ, Quảng Ninh
Móng Cái, vùng đất địa đầu Tổ quốc này được biết đến không chỉ là nơi đặt nét vẽ đầu tiên trên bản đồ Việt Nam, là nơi có bãi biển Trà Cổ “trữ tình nhất Việt Nam” v.v.. mà còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hoá truyền thống độc đáo của cư dân miền biển.
Đến nay, người dân Trà Cổ vẫn còn lưu truyền câu ca “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn” để nhớ về gốc gác của mình. Những bậc cao niên trong làng Trà Cổ vẫn thường kể lại cho con cháu, rằng: Cách đây khoảng 600 năm, khi đó 12 gia đình ngư dân Đồ Sơn (Hải Phòng) đi đánh cá bị giông tố cuốn ra biển rồi trôi dạt về bán đảo Trà Cổ.
Sau cơn bạo nạn, 6 gia đình không chịu được những khó khăn của cuộc sống nơi đây đã quay về quê cũ, họ bảo rằng: “Ở đây ăn bổng lộc gì?/ Lộc sung thì chát, lộc si thì già”. Còn 6 hộ ở lại cũng có lý lẽ riêng: “Ở đây vui thú non tiên/ Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau”, rồi tự động viên nhau cùng khai hoang, an cư lập nghiệp. Họ ghép tên của 2 làng cũ nơi họ từng sinh sống là Trà Phương và Cổ Trai thành làng Trà Cổ để đặt tên cho mảnh đất mới và ngôi đình làng do chính họ lập nên. Hằng năm, cứ từ ngày mùng một đến mùng ba tháng 6 âm lịch, người dân Trà Cổ lại mở hội đình để tưởng nhớ công ơn Thành hoàng. Ngôi đình làng Trà Cổ không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh mà còn là một công trình kiến trúc độc đáo, là cột mốc văn hoá tâm linh nơi địa đầu Tổ quốc.
Trải qua một thời kỳ bị gián đoạn do chiến tranh, năm 1993, lễ hội đình Trà Cổ được khôi phục lại và cho đến nay vẫn là một điểm nhấn văn hoá, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Trong lễ hội truyền thống này vẫn còn lưu giữ những phong tục độc đáo đặc trưng cho nền văn minh lúa nước sông Hồng, với những quy định ngặt nghèo về thủ tục, nhất là trong việc cử người làm ông Đám, việc chăm sóc chú ỉn chuẩn bị cho tế lễ mà mọi người vẫn gọi một cách thành kính là “Ông Voi”…
Theo đó, ông Đám là người được làng tín nhiệm cử ra nhằm mục đích phục vụ hương khói cho Thành hoàng trong năm đó. Trước khi vào lễ hội, làng họp và cử ra 12 người thuộc 12 gia đình tiêu biểu làm cai Đám. Họ phải là những người đàn ông từ 25 đến 35 tuổi, đã có vợ con, mạnh khoẻ, biết làm ăn, có đạo đức và lối sống lành mạnh, gia đình thuận hoà, không vướng tang ma… Những người được làng cử chọn làm cai đám thì rất vinh dự, tự hào. Làm tốt việc cai đám trong năm đồng nghĩa với được lộc, mạnh khoẻ, làm ăn may mắn…
Tuy nhiên, các ông Đám cũng phải tuân thủ khá nhiều quy ước, cấm kị. Anh Hoàng Minh Đông, Phó Chủ tịch UBND phường Trà Cổ, người đã từng được cử làm ông Đám năm 2012-2013, cho biết: “Trước đây, các ông đám phải chịu rất nhiều cấm kị: Không được cắt tóc, cạo râu, không được ăn đồ sống, thịt chó, mèo, không thắp hương, bái lễ trong đám ma… Bởi vì theo quan niệm, các ông Đám là con của thần linh. Thậm chí các ông Đám còn không được chăn gối với vợ trong vòng 1 năm. Ngày nay những cấm kị này đã được lược bỏ nhiều, song một số quy định vẫn còn giữ, như không ăn thịt chó, đồ sống, không thắp hương trong đám ma, không nói tục…
Cũng có những quy định ngặt nghèo như vậy, việc nuôi “Ông Voi” hết sức công phu. Cụ ông Vũ Tiến Nồng, một bậc cao niên ở Trà Cổ, cho biết: “Trước đây các vị Thành hoàng cưỡi voi đi ra trận để bảo vệ vùng biển quê hương. Voi cũng là con vật thể hiện cho sức mạnh, sự cường tráng. Do vậy, chầu thần là phải có voi. Và để có voi chầu thần trong lễ hội đình, người dân Trà Cổ đã dùng con lợn, loài vật nuôi phổ biến của cư dân nông nghiệp, làm con vật thay thế. Con vật này được gọi một cách trịnh trọng là “Ông Voi”.
Anh Hoàng Minh Đông còn cho biết thêm: “Sau lễ đại tế 10-8 âm lịch, những người được cử làm các ông Đám sẽ đưa “Ông Voi” của nhà mình ra đình làm lễ yết cáo thần linh, báo cáo Thành hoàng và bốc thăm lấy số thứ tự. Các “Ông Voi” được coi như linh vật, được bảo vệ, chăm sóc rất chu đáo, ăn ngon và sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông…”. Đặc biệt, trong sinh hoạt hằng ngày, người ta tối kị gọi “Ông Voi” là… lợn! Khác với trước đây, các “Ông Voi” là giống lợn ỉ Móng Cái, phát triển chậm, ngày nay những “Ông Voi” là giống lợn lai nên chỉ nuôi chưa đầy 1 năm đã nặng trên 2 tạ, thậm chí có “Ông Voi” lên tới hơn 3 tạ. Chiếc cũi gỗ sơn đỏ dài 1,5m dành để rước “Ông” ra đình cũng trở nên quá chật chội…
Chiều 30-5 âm lịch, sau lễ tế gia tiên, các cai Đám sẽ dùng cũi sơn đỏ có mái rèm che bằng vải đẹp lộng lẫy để che nắng, che mưa cho “Ông Voi”. 12 “Ông Voi” được các cai Đám tắm rửa sạch sẽ rồi rước ra sân đình xếp thành 2 hàng để chầu thần. Đội hình rước “Ông Voi” gồm: Cồng, trống tiền quân; cờ hàng, bát âm nhị huyền, cờ ngũ hành, bát biểu, đội trống hội, trung quân; sau đến các “Ông Voi”, tiếp là ban tế và gia đình của 12 ông Đám…
Sau lễ yết cáo thần linh, Ban tổ chức lễ hội sẽ đánh giá, chấm điểm các “Ông Voi” và sẽ chấm giải nhất cho “Ông” nào có vòng cổ to nhất, đẹp nhất, dài nhất, nặng cân nhất. Chấm giải xong, các “Ông Voi” khác sẽ trở thành những chú ỉn bình thường, riêng “Ông Voi” đạt giải nhất được giữ lại để làng mổ tế thần. Đặc biệt, trong mâm lễ tế thần, ngoài thủ lợn không thể thiếu túm lông vai của “Ông Voi” (gọi là “uế mao huyết”). Cúng xong, túm lông vai này sẽ được đưa ra đặt ở gốc đa cạnh sân đình. Đây là một nghi thức rất thiêng liêng, quan trọng trong lễ hội đình Trà Cổ. Lễ trao thưởng cho cai đám và “Ông Voi” được tổ chức vào chính hội là sáng mùng 1 tháng 6 âm lịch.
Có thể nói, lễ hội đình Trà Cổ và tục “Ông Voi” là một nét văn hoá độc đáo mà người dân địa phương còn truyền giữ được đến ngày nay.
Báo Quảng Ninh
Leave a Reply