Tục ăn trầu – Yêu nhau ăn miếng trầu say
Dân quê đã trồng cau trầu và có tục ăn trầu từ cách đây mấy ngàn năm, xuất phát từ ý nghĩa của một câu chuyện cổ. Câu chuyện trầu cau không rõ thực hư nhưng từ lâu dân quê vẫn xem cau – trầu – đá vôi là biểu trưng của tình cảm yêu thương thắm thiết giữa anh em, chồng vợ và sự keo sơn, hòa thuận của gia đình.
Ở quê, mỗi nhà thường trồng trước sân và ngoài vườn một vài cây cau thẳng và cao quá nóc. Người dân gọi đó là cau liên phòng vì lúc trèo lên ngọn có thể dõi xa trăm mét, quan sát được người ra vào làng phòng khi giặc dã, hỏa hoạn tri hô ứng cứu.
Cau là cây thân gỗ, lá xanh hình lông vũ, hoa dạng buồng chùm trắng ngà thơm ngọt, quả to như trái trứng xanh về già đỏ hồng. Từ đầu xuân, cau bắt đầu trổ hoa và cứ vài ba tháng lại đơm hoa một lần. Vào đêm khi gió lay mạnh, cánh hoa rơi đầy mặt đất. Cây rất sai quả, mỗi buồng có bao nhiêu bông thì đậu bấy nhiêu quả, chí ít cũng lên hàng trăm. Vì quả sai như vậy nhiều khi người dân cứ để chúng chín lủng lẳng trông như một trái tim non đẹp mắt.
Trong những cây ăn quả vườn quê, cau là cây thân trơn, đơn nhánh và cao độc nhất khi hái hoa và quả phải leo trèo mới được. Người già ngại độ cao thường bắc thang lấy câu liêm chọc móc. Song lũ trẻ dẻo xương giỏi trèo thì chỉ một chốc đã leo tới ngọn và dùng dao cứa buồng buộc dây ròng xuống. Sau khi trảy cau, dân quê thường lựa những quả tròn bóng đẹp giữ nguyên buồng đem bán, còn dành quả xấu bổ ra ăn hoặc phơi khô tích trữ dùng dần. Quả cau được tước vỏ rồi bửa làm đôi, tư, sáu, tám, mười miếng trải đều phơi nắng. Để miếng cau khô có màu hồng thắm, nhiều nơi thường nấu nước cau, chọn quả cau già vỏ đỏ, hạt nâu kết hợp với rễ đay sắc thành nước hồng phun vào mảnh cau khô, dưới nắng nước hồng sẽ ngấm vào da thịt cau trắng và còn cho mùi hương ngọt ngào.
Trong cây cỏ vườn quê, cau cũng là một loại hữu dụng nhất. Người ta dùng gần như mọi bộ phận của cau, không bỏ phần nào. Dùng gỗ cau có màu đỏ, dai chắc xây dựng chuồng trại. Lấy tàu lá bện chổi, mo cau non bó cơm hay cuộn thức ăn, mo cau già làm quạt và ván chơi trong trò vui tuổi nhỏ. Do hoa cau đẹp và thơm, phụ nữ thường hái hoa trang trí cho thơm cửa thơm nhà. Cũng hay vun những bông rụng ngoài thềm đun nước tắm hoặc lồng vào ruột gối lấy hương thơm giúp giấc ngủ đằm sâu và mang theo mình như một túi hương khiến thân thể thơm tho. Trẻ con thường bốc hoa cau chơi đồ hàng vo gạo thổi cơm. Mọi nhà đều ăn quả cau và dùng cau cúng bái. Trong quả cau có nhiều chất xơ, chất thơm kháng khuẩn, bảo vệ răng miệng, chữa được chứng chốc đầu, rong kinh, viêm tấy… Ngay cả khi buồng cau đã vặt trụi trơ những cái cọng cong vút vẫn có ích. Cùng với mo cau khô, trẻ quê thường cưỡi cọng cau giả vờ cưỡi trâu -một em ngồi lên các em khác hò nhau kéo bạn lê thê. Những đêm hè nóng bức, những hàng cau luôn tỏa bóng mát êm dịu, ai nấy đều thích vác chõng, mắc võng dưới gốc cây ăn cơm, đọc sách, nghe gió thổi lộng qua tàu lá mát rượi và hít hà làn hương hoa trong lành, tinh khiết.
Bên hàng cau luôn thấy những dây trầu đong đưa, vắt vẻo. Ở quê, mọi nhà đều trồng trầu áp lên thân cau hoặc vắt vào bờ rào, vách tường, nóc mái cho cây bám thành giàn. Trầu là cây thân thảo leo rất cao nên còn được gọi là trầu không. Cây có lá hình tim mọc so le màu xanh với nhiều nếp nhúm, hoa dạng đuôi sóc màu trắng, quả tròn xanh li ti. Vì là cây sống đời, trầu rất dễ mọc và bò lan rậm rạp, chỉ cần lấy một đoạn thân vùi xuống đất sau vài ba hôm đã nảy chồi. Tuy nhiên, cây mọc tốt nhất ở gò cao không ngập nước, mặn, kiềm. Mùa hè, cây ra lá và đẻ nhánh cực khỏe. Sau khoảng ba tháng, kể từ lúc bén rễ trầu đã leo cao vài mét. Lúc này có thể thu hái song nhiều người thường gác lại một năm để thu hoạch đại trà.
Cũng giống cau, trầu có vô số công dụng. Cây mọc sum suê cho bóng mát và những khoảng không xanh tĩnh ở sân, vườn, cổng, ngõ, vách, mái nhà dân. Lá trầu mềm, mọng nước, hơi cay làm được thức ăn, gia vị. Nhiều người thường hái lá trầu ăn vui miệng. Trong lá trầu cũng có chất chống sâu răng, ngoài ra còn có thể sát trùng, tiêu độc, giảm đau, nhuận tràng, lợi tiểu… Tùy sở thích người ta ăn lá non – lá có màu xanh nõn hơi vàng (trầu vàng), ăn lá già có màu đậm, dày đã phát triển trọn vẹn (trầu xanh). Song theo dân gian ăn ngon nhất là khi lá trầu hãy còn non nên mọi người đều hái lá ngay khi lá to vừa độ và xếp nhẹ nhàng, ngay ngắn mặt lá úp, cuống lá chổng, lá này chồng lên lá kia vừa tiện cầm vừa tránh bầm dập những gân mỏng.
Mời trầu – nét duyên của người quan họ
Dân quê đã trồng cau trầu và có tục ăn trầu từ cách đây 4000 năm, xuất phát từ ý nghĩa của một câu chuyện cổ. Câu chuyện trầu cau không rõ thực hư nhưng từ lâu dân quê vẫn xem cau – trầu – đá vôi là biểu trưng của tình cảm yêu thương thắm thiết giữa anh em, chồng vợ và sự keo sơn, hòa thuận của gia đình. Vì cau vươn thẳng, không sợ gió bão năm nào cũng ra hoa đậu quả, người dân cũng xem cây là biểu tượng của lòng chính trực và người quân tử. Vì trầu quấn quýt không rời, lá như trái tim xao động cây cũng là biểu tượng của sự bao dung và người thục nữ. Cả hai cùng xanh rờn nổi bật giữa bao la trời đất tượng trưng cho sự an lạc và tuổi xuân. Nhà nào cũng trồng cau trầu bên giếng nước, hồ ao chỗ này vồng cau, chỗ kia luống trầu khăng khít, giao hòa. Đầu mùa bao giờ cũng vậy, người ta lại biện lễ gồm ít nhất một chẽ cau, ba lá trầu phết vôi và một khúc vỏ cúng dường báo thiên cây tốt vật thịnh, xóm làng êm ấm.
Mọi người thường nói ăn trầu hay xơi một miếng trầu, nhưng thực tế đó là ăn trầu với cau, vôi, rễ quạch (vỏ chay, sen, đa hoặc quế), đôi khi kèm thêm vài sợi thuốc lá. Do ba thứ kết hợp sẽ tiết ra chất nước đỏ hồng làm môi đỏ má thắm và đặc biệt giúp răng chắc khỏe lâu ngày sẫm lại đen nhánh; các chất trong đó cũng giúp chữa trị nhiều chứng bệnh thường gặp như đau đầu, nhức mỏi, tức ngực khó thở, mỡ máu, táo bón, u buồn,… Dân quê thường ăn trầu làm đẹp, chữa bệnh, lấy nước nhuộm quần áo, tô vẽ và thể hiện những quan niệm tinh tế về cuộc sống.
Theo triết lý dân gian “miếng trầu là đầu câu chuyện” nên trước mọi cuộc giao tiếp, trao đổi nhất nhất cứ phải mời trầu, ăn trầu đã. Mọi người ăn trầu nhằm cởi mở, thân thiện với nhau hơn. Ăn vào khiến người rạo rực, cười nói tự nhiên. Mọi người ăn trầu cũng để hòa thuận, đoàn kết, đối xử công minh. Ai cũng có thể ăn, không ăn thì cầm lấy. Khi rảnh rang, người ta lại sang nhà nhau xơi một khẩu trầu, uống ngụm trà thuốc. Vừa ăn vừa trò chuyện tăng thêm tình nghĩa xóm giềng. Mỗi người cũng dùng miếng trầu làm tín vật trao gửi, hàn gắn và vun vén tình cảm với quan niệm khi đã nhận miếng trầu là đã đón nhận tấm lòng của nhau, có điều gì hiềm khích đều vui vẻ tha thứ, nhân dịp này hòa giải bày tỏ lòng kính trọng, hiếu đễ, biết ơn hay tạ lỗi, với nam nữ đang tìm hiểu thì điều ấy có nghĩa cô gái hoặc chàng trai đã chấp thuận lời tỏ tình của nhau. Vì lẽ đó, cau trầu là đồ lễ quan trọng có mặt trong mọi nghi lễ từ lễ cúng đình chùa, giỗ chạp, cưới hỏi, tang ma, mừng thọ, mừng nhà mới đến chuyện tiếp khách, gặp gỡ bạn bè hàng ngày ở gia đình.
Đặc biệt, cau trầu luôn gắn với phong tục cưới hỏi cổ truyền của dân quê. Đầu tiên theo lễ tục, chàng trai phải mang cơi trầu đến ra mắt cha mẹ cô gái, xin phép hai vị cho anh được tìm hiểu con gái họ gọi là lễ vấn danh, kế đó nhà trai mang cơi trầu đến nhà gái xin kết thông gia cho hai gia đình qua lại thân mật – lễ dạm ngõ rồi tới các lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ đón dâu, lễ nhập gia, lễ động phòng…
Theo tục thách cưới, nhà trai phải mang đến nhà gái từ 100 tới 1000 quả cau, cá biệt có nơi như trong thơ Nguyễn Bính: Nhà gái ăn chín nghìn cau, tuy có thể chỉ là con số ước lệ song cho thấy đây là sính lễ quan trọng nhất trong các vật cầu hôn và là vật giao ước giữa hai dòng họ. Trong cơi lễ ăn hỏi, quả cau phải tròn có lớp vỏ xanh bóng, cuống râu xù xòa, nâu đen như râu ông già. Lá trầu phải xanh, to đều, không một vết thâm bầm. Cả hai được đặt trên những mâm son phủ khăn điều dán chữ hỷ thể hiện cho ước mong bách niên giai lão (hạnh phúc trọn đời). Sau khi nhà trai mang cơi lễ đến nhà gái xin dâu, nhà gái sẽ bổ cau trầu từ đó đem biếu thân quyến, xóm giềng mời mọi người đến chung vui trong ngày cưới của đôi trẻ. Vào ngày hợp hôn và trong lễ rước dâu từ nhà cha mẹ đẻ đến nhà chồng, chính cô dâu chú rể cũng phải bưng khay trầu và thuốc mời các cụ cao lão trong dòng họ, làng xóm xin các vị chứng giám cho duyên lành. Giúp đôi uyên ương dọc đường về nhà trai, còn có các phù dâu phù rể ăn vận xinh đẹp bưng trên tay 100 miếng trầu, vừa đi vừa mời quan khách thưởng thức và chúc mừng đôi tân nương tân lang. Nam nữ trước khi động phòng thường ăn miếng trầu với niềm tin về một tình duyên bền vững, hạnh phúc, son sắt không rời cũng để thân thể thơm tho, ấm áp, hơi thở nồng nàn, dễ chuyện ân ái.
Tùy nơi người ta ăn trầu cùng lúc song thường là sau khi đã nhai dập miếng cau thì mới ăn đến trầu, mảnh vỏ và vôi. Mỗi thành phần trong đó có một sự khác nhau. Miếng cau cho vị đắng và mát. Khẩu trầu cho vị cay và ấm. Vỏ cho vị chát và the. Vôi cho vị mặn và nồng. Cộng lại cho sự say mê. Mỗi thứ một màu và từ xanh, vàng, hồng, trắng chịu mọi đớn đau, bầm dập để cùng cho một sắc đỏ thắm như dòng máu. Để không bị say, nhiều người phải tập ăn trầu từ bé và khi đã mê hương vị cau trầu sẽ không bao giờ dứt ra nổi. Nó giống như một chất kích thích ăn ngon ngủ yên, làm việc hăng hái, thiếu vắng sẽ cảm thấy nhạt nhẽo, vô vị.
Chu Mạnh Cường
Leave a Reply