Công giáo ảnh hưởng như thế nào đến văn hóa dân tộc Việt Nam

Văn hóa là khái niệm có rất nhiều định nghĩa khác nhau nhưng ở các định nghĩa đều có cái chung là văn hóa đã bao hàm thành tố , tín ngưỡng.

Thành ra, nói văn hóa là nói tới tôn giáo, tín ngưỡng. Không có nền văn hóa của dân tộc nào không liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. Vì vậy, tôn giáo, tín ngưỡng chính là văn hóa. Nói “Tôn giáo và văn hóa” là sự tách bạch, khu biệt trong tư duy để xem xét, nghiên cứu chứ trong thực tiễn chúng đan xen vào nhau. Chúng tôi xin minh chứng một trường hợp là ở Việt Nam. là một tôn giáo trẻ, mới du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVI nhưng chúng cũng đã để lại nhiều dấu ấn với văn hóa nước ta và cũng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa bản địa.

  1. 1. Quan niệm về văn hóa của Công giáo

Ở phương Đông như Trung Quốc cổ đại đã coi văn hóa là phương thức để giáo hóa con người: “văn trị, giáo hóa”. Nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp dùng từ culture để chỉ văn hóa, người Đức gọi văn hóa là kultur, người Nga gọi là kyltypa. Những từ trên đều có chung gốc với chữ Latinh cultus animi có nghĩa là “trồng trọt tinh thần”. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên trong tuyên bố về những chính sách văn hóa, hội nghị quốc tế do UNESCO chủ trì năm 1982 tại Mehicô đã đưa ra định nghĩa phổ quát về văn hóa: “ Văn hóa hôm nay có thể coi là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, những tập tục và tín ngưỡng. Văn hóa đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân. Chính văn hóa làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lý tính, có đầu óc phê phán và dấn thân một cách đạo lý. Chính nhờ văn văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm tòi không biết mệt những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên bản thân”.

Công giáo có nhiều văn bản nói về văn hóa. Công đồng Vatican II định nghĩa: “ Văn hóa chỉ tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa dạng của tâm hồn và thể xác; cố gắng chế ngự cả trái đất bằng trí thức và lao động; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình cũng như đời sống chính trị trở thành nhân đạo hơn nhờ sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau hết diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của thời đại, để giúp con người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn”(1).

Như vậy quan niệm về văn hóa của Công giáo cũng không khác nhau bao nhiêu với định nghĩa của UNESCO. Cái khác nhất có lẽ là các học giả Công giáo nhấn mạnh yếu tố tôn giáo trong văn hóa. Hồng y Joseph Rtazinger sau là Giáo hoàng Benedicto XVI (mới từ nhiệm) viết: “Trong tất cả các nền văn hóa mà ta được biết trong lịch sử, tôn giáo luôn là một yếu tố căn bản của văn hóa, thậm chí là linh hồn của văn hóa. Chính tôn giáo ấn định cấu trúc của các giá trị và do đó hình thành lý lẽ nội tại của cấu trúc ấy” (2).

Thật ra, một số nhà nghiên cứu ngay ở Việt Nam cũng có ý kiến tương đồng. GS. Trần Quốc Vượng viết: “Ở trung tâm mỗi tôn giáo lớn đều có hạt nhân triết học, đều có chủ nghĩa nhân đạo là thành tựu văn hóa lớn nhất của loài người. Cái từ bi của Phật, cái bác ái của Chúa Kittô, cái nhân nghĩa của Khổng Nho là những hạt ngọc văn hóa đó… Nhìn nhận vấn đề tôn giáo theo quan điểm văn hóa học, tôi thấy thế này: xét theo quan điểm lịch sử phát sinh và trưởng thành, tôn giáo vừa là sản phẩm của văn hóa, vừa là thành phần hữu cơ, một nhân tố cấu thành của văn hóa” (3).

Tuy nhiên, trong quá trình truyền bá Công giáo sang các nước, với nhiệt tình thái quá và cứng nhắc của các nhà truyền giáo, Kitô giáo đã vấp phải sự chống đối từ sự tự vệ của văn hóa các dân tộc và xung đột đã xảy ra làm đổ máu nhiều người. Chính Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã thừa nhận: “ Họ đi cắm Thánh giá, phân phát niềm hy vọng Kitô giáo, phổ biến tiến bộ trí tuệ và kỹ thuật của họ. Nhưng họ cũng là những người xâm lăng, họ đi cắm nền văn hóa của họ vào, họ chiếm tài sản của các bộ tộc khác mà thường là họ coi khinh những truyền thống riêng và thường xuyên bắt phục tùng quyền lợi của họ một cách hung bạo” (4).

Sau nhiều bài học đẫm máu và nước mắt, Công giáo đã đưa ra khái niệm “hội nhập văn hóa dân tộc” vào những năm 1970 để thích ứng với các nền văn hóa. Song buổi đầu, chủ trương này vẫn mang tính áp đặt, một chiều như tuyên bố của Liên Hội đồng giám mục Á châu (FABC) năm 1974: “Tin mừng được tháp nhập vào nền văn hóa để sàng lọc và thanh tẩy nó”. Phải gần 20 năm sau, FABC mới đưa ra quan niệm hai chiều, hỗ tương giữa đạo Công giáo và văn hóa bản địa: “Một mặt, người tín hữu được mời gọi gìn giữ và bảo vệ những giá trị văn hóa, trong đó người tín hữu tìm được chính mình. Mặt khác, Tin mừng là một thách đố sâu sắc đối với các nền văn hóa. Các Kitô hữu phải học biết nhận định cái tốt, cái thật và cái đẹp là những điều họ tìm kiếm để hỗ trợ và hội nhập vào cuộc sống của mình, từ những giá trị được chuyển hóa hay thậm chí phải bác bỏ” (5).

Dĩ nhiên, mục tiêu của “hội nhập văn hóa” là nhằm truyền giáo hiệu quả hơn: “ Qua việc hội nhập văn hóa, giáo hội làm cho Tin mừng nhập thể vào các nền văn hóa khác nhau và đồng thời đưa dân chúng, cùng với văn hóa của họ, bước vào cộng đoàn của mình” (6).

Sẽ là sai lầm nếu chủ trương loại bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống của con người vì tôn giáo chính là văn hóa mà con người không thể phát triển nếu tách khỏi môi trường văn hóa.

  1. Công giáo với văn hóa Việt Nam

So với các tôn giáo khác du nhập vào nước ta thì Công giáo là tôn giáo trẻ vì nói mới truyền đến Việt Nam từ thế kỷ XVI. Thế nhưng tôn giáo này đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa nước ta, để lại dấu ấn đậm trên văn hóa nước nhà.

Điều trước tiên là Công giáo trở thành cầu nối giao lưu giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Thông qua các nhà truyền giáo, văn minh, văn hóa phương Tây được giới thiệu ở Việt Nam và văn hóa Việt Nam cũng được giới thiệu ở phương Tây. Từ chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót, cách in chữ bằng con chữ đúc rời, đến phương pháp chữa bệnh theo lối Tây y. Từ các tranh tượng đạo thời Phục Hưng, các nhạc phẩm nổi tiếng thế giới đến chữ quốc ngữ. Chữ quốc ngữ đã làm cho chúng ta tự cường hơn và mau chóng hội nhập với thế giới ngày nay. Cũng thông qua các nhà truyền giáo, lần đầu tiên thế giới phương Tây biết đến chữ viết, phong tục tập quán của Việt Nam khi bộ sách của Alexandre de Rhodes gồm “ Phép giảng tám ngày”, “Từ điển Việt – Bồ – La”, “ Ngữ pháp tiếng Việt” được xuất bản ở phương Tây từ giữa thế kỷ XVIII. Điều đặc biệt, khi đến từ phương Tây nhưng nhiều giáo sĩ lại tôn trọng và đề cao văn hóa, phong tục của người Việt. Bulzomi, người Ý đã nhận xét: “Nhờ Khổng giáo, xã hội và gia đình Việt Nam đã có một tổ chức rất cao, người dân Việt Nam có những đức tính và phong tục rất đáng khâm phục… Họ không nghiêng về văn chương, tính tình không nham hiểm như người Tàu. Họ không quá nghiêng về quân bị, tính tình không độc ác như người Nhật. Về tầm thước họ không cao như người Tàu, cũng không thấp như người Nhật, dễ nghe, dễ tin và nhiều mê tín nhưng người Việt dễ nhận ra lẽ phải, không kiêu căng hay tự tôn như người Tàu” (7). Một số giáo sĩ cũng kịch liệt chống lại quan niệm cho rằng: ngoài châu Âu là man di mọi rợ hay Trung Quốc là tất cả những gì đẹp đẽ nhất trái đất. Đắc Lộ viết: “Tôi không biết vì sao đất nước rất xinh đẹp này lại không được biết tới, vì sao các nhà địa lý châu Âu không biết tên gọi và không ghi trong bản đồ nào cả. Tuy họ chép đầy đủ tên các nước trên thế giới” (8).

Công giáo không chỉ mang đến cho Việt Nam một tôn giáo mới với nhiều lễ hội quanh năm, với cả một kho tàng văn học nghệ thuật, báo chí Công giáo làm phong phú thêm văn hóa nước nhà. Chỉ nói riêng những ghi chép của các giáo sĩ thủa xưa đã là căn cứ tư liệu lịch sử làm bằng chứng về chủ quyền biển đảo nước ta hiện nay nhất là chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Vì trong số các nhà truyền giáo, họ vốn là những nhà nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực nên đi đến đâu, họ ghi chép, vẽ bản đồ đến đấy. Giáo sĩ Christoforo Bulzomi là người đặt chân đến cửa Hội An năm 1615 đã viết: “Hải cảng đẹp nhất, nơi mà tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ, danh thắng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam… Chúa Đàng Trong cho người Nhật, người Hoa tự chọn một địa điểm thuận tiện để lập một thành phố chuyên cho việc buôn bán. Thành phố này gọi là Faifo tức là Hội An” (9).

Các giáo sĩ cũng ghi chép việc chúa Nguyễn đã thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua việc cử người khai thác hải sản hay khoáng sản và nhất là cắm cờ chủ quyền ở khu vực này. Trong cuốn Soria della in die Grianfocti của Felice Rifamoli xuất bản ở Milano năm 1625 viết: “Thuyền trưởng các tàu buôn qua lại vùng này thích cập cảng Hội An hay những cảng gần thủ đô Huế. Những người đi biển ở ba cảng này (tức cảng Huế, Hội An, Đà Nẵng) là những người lão luyện nhất của quốc gia này và hàng năm có chuyến đi biển đến quần đảo và bãi đá nhỏ có tên là Hoàng Sa (Paracels) nằm cách bờ biển Đàng Trong khoảng 20 – 30 dặm… Tàu nhổ neo, chỉ một thời gian là đến ngay một nơi gọi là Paracels. Paracels là một quần đảo thuộc vương quốc An Nam. Đó là bãi đá ngầm kéo dài đến hàng trăm dặm chạy dài xuống phía nam chạy dọc theo bờ biển xứ Cochinchina (Đàng Trong). Tàu Amphirite là tàu đầu tiên du hành đến Trung Quốc suýt bị đắm. Nhưng có chỗ cạn chỉ có 4 – 5 sải nước. Thoát được nguy hiểm ở đây thì chỉ có phép lạ. Bị đắm tàu trên những tảng đá khủng khiếp đó hoặc bị lạc phương hướng khi không còn tý nguồn dự trữ nào thì cũng nguy hiểm như nhau mà thôi” (11).

Giám mục người Pháp là Louis Taberd trong cuốn “ Lịch sử thế giới – các dân tộc, tôn giáo và phong tục, tập quán của họ” xuất bản ở Paris năm 1853 đã ghi lại: “Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng, từ 34 năm nay, quần đảo Paracels mà người Việt gọi là Cát Vàng (Hòang Sa) gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những hòn đá nhô lên. Những hoang đảo này đã được chiếm cứ bởi người Việt xưa ở Đàng Trong… Có điều chúng tôi biết chắc chắn là hoàng đế Gia Long đã ngự tàu ra biển để chiếm các đóa hoa lạ đó cài lên vương miện của ngài, vì vậy mà ngài xét thấy đã đến lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thêm quân đến Hoàng Sa vào năm 1816. Ngài đã trịnh trọng cắm lá cờ đỏ, lá cờ của xứ Đàng Trong”. 16 năm sau, giám mục L. Taberd đã xác nhận lại những ghi chép trên trong một bài báo công bố ở Ấn Độ năm 1849 bằng tiếng Anh: “Năm 1816, vua Gia Long đã tới và long trọng cắm cờ quốc gia của ông và khẳng định chủ quyền trên các quần đảo này và hình như không một ai tranh giành với ông”.

Năm 1701, trong “ Nhật ký tàu Amphirite”, các giáo sĩ cũng ghi lại như sau: “Paracels là quần đảo thuộc về xứ An Nam… Các thuyền xứ Đàng Trong dùng vào việc buôn bán ven biển, lần lượt thu lượm hải sản và tổ yến trong quần đảo Paracels”(11).

Bên cạnh các ghi chép trên là những bản đồ cổ do các giáo sĩ vẽ lại cũng là những tư liệu quan trọng. Bản đồ cổ có giá trị nhất là “An Nam đại quốc họa đồ” do giám mục Louis Taberd xuất bản ở Ấn Độ năm 1838, được in trong cuốn từ điển “Nam Việt tự vị” khổ 40x80cm trong đó có ghi rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Bản đồ của giáo sĩ Alexandre de Rhodes cũng có ghi đảo Pulosisi trùng với Hoàng Sa hiện nay. Hay bản đồ của giáo sĩ người Hà Lan “Việt Nam với Đàng Ngoài – Đàng Trong và biển Đông với quần đảo Pracel” in trong Carte de L’Indochine 1658 – 1659 cũng khẳng định điều đó.

Trên đây đã nói về dấu ấn của Công giáo với văn hóa Việt, ngược lại văn hóa Việt cũng góp phần biến đổi một tôn giáo xa lạ như Công giáo trở thành gần gũi với dân tộc Việt Nam.

Có thể kể ra nhiều ảnh hưởng của văn hóa dân tộc với Công giáo. Từ chỗ làm thay đổi thái độ của Công giáo với các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống cũng như tôn giáo bạn, thúc đẩy tiến trình Việt hóa đội ngũ chức sắc, đến việc đẩy mạnh con đường đồng hành cùng dân tộc của Công giáo. Chỉ nói riêng vấn đề Phụng vụ cũng cho thấy sự thay đổi này.

Phụng vụ (Liturgie) là việc giáo hội thực thi chức tư tế bao gồm thánh lễ, cầu nguyện, ca hát lễ xướng và các loại hình nghệ thuật Công giáo.

Lĩnh vực đầu tiên được chú ý là sách đạo. Chúng ta biết, sách đạo thủa đầu in bằng tiếng latinh. Vì vậy mới có câu:

Các thày đọc tiếng Latinh

Các cô con gái thưa kinh dịu dàng.

Nhưng như vậy rất khó phổ biến cho người bản xứ. Khi người Việt dùng chữ Nôm, các giáo sĩ đã soạn sách đạo bằng chữ Nôm. Cuốn giáo lý đầu tiên được linh mục Pina soạn bằng chữ Nôm ấn hành năm 1620. Người để lại kho tàng chữ Nôm đồ sộ đến ngày nay là Majoria (1591 – 1631) với 45 cuốn khoảng hơn 1,2 triệu chữ. Một số lại dùng thơ ca truyền thống để ghi lại sự tích trong Kinh thánh như công nương Catarina, linh mục Louis Đoan (1613 – 1678). Ngay ở khu vực dân tộc thiểu số, sách đạo cũng được chú ý. Năm 1861, linh mục Henri Azema đã làm sách giáo lý cho người Xtiêng. Những năm 1865 – 1870 linh mục Comber đã dịch kinh bổn sang tiếng Banar. Linh mục Janin cũng dịch Cựu ước sang tiếng Banar đầu thế kỷ XX. Bộ sách Hlabar Pơđok tức đại cương thần học, trong đó có bàn đến phong tục tập quán của người Banar được phát hành năm 1925. Nhóm linh mục Trần Sĩ Tín cũng dịch kinh bản ra tiếng Jarai những năm 1969 – 1973. Khi chữ quốc ngữ được phổ biến, sách đạo dùng chữ quốc ngữ. Bản Kinh thánh cứ bản Vulgata của cố chính Linh (Albert Schilicklin) được dịch ra tiếng Việt in lần đầu ở Hồng Kông năm1913 – 1914.

Khi phổ cập chữ quốc ngữ, cũng có người phê phán Công giáo làm đứt đoạn với văn hóa truyền thống, làm cho đất nước không hóa rồng được. Điều này không có cơ sở. Bằng chứng là khi chữ quốc ngữ được dùng bắt buộc trong các kỳ thi cử hay giấy tờ hành chính từ năm 1910 theo nghị định của thống sứ Bắc Kỳ. Thì phía Công giáo, nhiều giáo sĩ vẫn dùng chứ Nôm. Trong thư mục vụ ngày 7 – 10 – 1910, giám mục Bùi Chu là Pierre Munagorri Trung còn quy định các chủng sinh phải học Tứ thư, Ngũ kinh, Nam sử lược. Giám mục Pierre Marie Gendreau Đông (1892 – 1935) cũng chỉ thị cho các linh mục trong địa phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội ngày nay) phải tuyển chọn các ông đồ Nho làm giáo viên giảng dạy cho các học trò xứ đạo.

Quá trình “Việt hóa đạo” này làm cho các ông cố Tây trước đây bắt người Việt Nam gia nhập Công giáo phải bỏ tên cha mẹ đặt cho để nhận một tên thánh lạ hoắc như Anrê, Gioan, Anna, Maria…, nay thì chính các cố Tây phải đổi sang tên Việt Nam ví dụ: giám mục Liêu (tức Retord), giám mục Đông (tức Gendreau), cố Lương (tức linh mục Cardro). Thậm chí các thánh cũng bị Việt hóa như thánh Vincent gọi là thánh Vinh Sơn, thánh Dominico gọi là thánh Đa Minh. Các hội đoàn từ Tây nhập vào như dòng Benedict gọi là dòng Biển Đức, hội Sulpicien gọi là hội Xuân Bích

Về thánh lễ, trước đây lời đọc là tiếng la-tinh sau được chuyển sang tiếng Việt. Người ta cũng chấp nhận một số nghi thức văn hóa dân tộc như việc thắp hương trước bàn thờ hay dùng tiếng cồng chiêng thay tiếng chuông trong thánh lễ. Một số nơi còn cho phép giáo dân ghi lời khấn xin ra giấy và đốt đi trước tượng ảnh Đức Mẹ. Trong thánh lễ, thánh nhạc được dùng cũng thuần Việt không chỉ về lời mà còn khai thác cả giai điệu dân ca. Lúc đầu, người ta cho dịch các bài hát ra tiếng Việt mà người khởi xướng là linh mục Vượng ở tỉnh Nam Định những năm 1939 – 1940. Đến tháng 7 – 1945, nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh ra đời với tuyên ngôn: “Về nội dung, phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc, về nghệ thuật lấy dân ca cổ truyền làm cấu trúc âm thanh” đã mở ra giai đoạn mới cho thánh nhạc Việt. Bây giờ từ dân ca quan họ Bắc Ninh, hò Huế, dân ca Nam Bộ đến những giai điệu bốc lửa của Jarai cũng đều tìm thấy trong thánh nhạc.

Về hội họa Công giáo, trước đây trên bàn thờ chỉ có các bức tranh tượng từ phương Tây đưa sang, bây giờ có nhiều tranh tượng của người Việt sáng tác. Hình mẫu, phong cách cũng rất Việt. Ví dụ bức tranh lụa Madalena dưới chân Thập giá của Lê Văn Đệ. Nữ thánh ở đây là phụ nữ người Việt với mái tóc dài đổ xuống bờ vai, đôi mắt mở to, phó thác cậy trông bên chân Thập giá. Bức sơn dầu Giáng sinh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí lại tái hiện Đức Mẹ trong tà áo tứ thân, đầu chít khăn mỏ quạ thấp thoáng khóm tre, con trâu. Tượng Đức Mẹ La Vang lại là phụ nữ với trang phục quý phái đầu đội khăn xếp, áo mớ bảy mớ ba như hoàng hậu.

Về kiến trúc, trước đây các nhà thờ được xây cất theo kiến trúc phương Tây. Hiếm hoi lắm mới xuất hiện nhà thờ Phát Diệm kiến trúc theo kiểu đình, chùa Việt hồi cuối thế kỷ XIX. Bây giờ rất nhiều kiến trúc nhà thờ Công giáo theo phong cách này. Nhà thờ Pleichuet, Gia Lai (ảnh trên) được khánh thành năm 2005 hệt giống ngôi nhà rông khổng lồ với mái cao 35m. Trong nhà thờ treo 2 bộ cồng chiêng. Cầu thang và nhà Tạm thiết kế như chiếc gùi đi rẫy của đồng bào Tây Nguyên. Nhà thờ Cửa Nam (Lạng Sơn) khánh thành năm 2004 lại giống như ngôi nhà dài tám mái của người Nùng. Trần nhà thờ là bông hoa hồi cách điệu. Tòa để Thánh thư là chiếc chòi canh rẫy và tòa để Thánh thể lại thiết kế như ngôi nhà sàn… Nhiều nhà thờ kiến trúc theo triết lý của người Việt là “thiên địa nhân nhất thể” nên đâu cũng thấy núi nhân tạo, hồ, ao cây cảnh. Số gian nhà thờ cũng thường là 5, 7 hay 9 và chỗ ngồi cũng phân ra “ nam tả nữ hữu” như dân gian vẫn nói.

Chính nhờ văn hóa dân tộc thẩm thấu vào nên một tôn giáo xa lạ từ phương Tây đến như Công giáo đã trở thành một tôn giáo ngày càng gần gũi với người Việt có tên gọi là Công giáo Việt Nam.

Tóm lại, Công giáo và văn hóa Việt Nam đã ảnh hưởng qua lại lẫn nhau và cùng làm cho nhau phong phú, đổi mới và phát triển hơn./.

  1. Phạm Huy Thông

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>