Khám phá tục uống rượu cần của người K’Ho
Đến Tây Nguyên nghe câu hát “rượu cần lâu năm cất trong đáy mắt em/ anh vít cần, vít cần mà không dám uống”, khách viễn du không khỏi bàng hoàng trước văn hóa rượu cần của người dân nơi đây. Góp phần làm nên nét đẹp văn hóa này không thể không kể đến tục uống rượu cần của đồng bào K’Ho.Tục uống rượu cần của người K’Ho có một nét rất riêng. Rượu cần của người K’Ho là thứ rượu không qua chưng cất, thứ rượu được nấu lên từ gạo, kê, hoặc ngô, khoai, sắn trộn với một thứ men rừng, để khoảng từ một đến ba tháng thì có thể đem ra uống được. Khi uống, người ta đổ nước suối vào ché và dùng cần hút theo nguyên tắc chỉ dùng một cần chứ không dùng nhiều cần như một số dân tộc khác. Người K’Ho chỉ sử dụng rượu cần khi có những công việc trọng đại như tiếp khách, mừng những ngày lễ lớn trong năm, trong những nghi lễ thờ cúng. Khi uống rượu bao giờ người ta cũng tôn trọng chủ nhà và những người đạo cao đức trọng như già làng, tộc trưởng.
Người K’Ho có cả một câu chuyện nói về tục làm rượu cần. “Chính con nhím, vốn có dạ dày cao nhã đã dạy kỹ thuật ca
o cấp này; làm rượu bằng quả mọng và các thứ quả nát thì chẳng ngon. Làm bằng củ, thì sẽ thành thuốc độc. Phải làm rượu cần bằng những viên bột gạo, sẽ có được món rượu ngon. Con nhím còn dạy phải làm bao nhiêu viên bột như vậy cho một chóe rượu; nó bày liều lượng cám, cơm nấu chính và thảo mộc (dùng để làm chất mùi và chất lên men) cần phải trộn những bánh bột nhỏ; nó dạy cách đặt than hồng dưới đáy nghè và một lớp cám trên cùng, trước khi bịt thật kín. Rồi nhím tự rút dạ dày của mình ra, giã nhỏ và trộn kín với bột, vừa nói: bao giờ cũng phải làm như thế này, rượu cần chỉ thật ngon khi có dạ dày nhím”.
Trong truyện cổ K’Ho cũng có rất nhiều truyện nhắc đến tục uống rượu. Thí dụ, K’Ting và K’Tang cứu cha, K’Không lên cây đa, Nàng Joông và con cá vàng, Chàng trai K’Ho, K’Pút con trai của thần mặt trời, Nàng Ka Giơng, Vợ chồng K’Đu và Ka Đùng, Trăn thần,… Theo truyện thì ché rượu cần, đặc biệt là ché cổ là rất linh thiêng. Người K’Ho quan niệm rằng “Những ché cổ là nơi trú ngụ của Giàng Tơr Nơm (thần rượu cần)”. Vì thế có những ché rượu cổ trị giá đến mấy chục con trâu. Sự giàu có của người K’Ho được đong đếm bằng số chiêng ché mà gia đình đó có. Đây là cảnh giàu có của một gia đình trong truyện cổ “Những ống muối, những bộ váy áo, những chiếc vòng đồng, những chiêng và ché rượu được sắp đầy nhà”, “có nhiều ché rượu cần cho cả buôn làng uống suốt một tháng hội hè”.
Đọc truyện cổ K’Ho, chúng tôi nhận thấy nghi thức uống rượu cần của người K’Ho có một nét rất riêng. Ở truyện Nàng Ka Giơng có một chi tiết sau: Gia đình K’Giou muốn cúng tạ ơn Giàng khi con cái họ khỏi bệnh. “Nhưng nhà hai anh em lại không có người giã gạo, để mở ché rượu cần và rót nước mời khách. Bố mẹ liền sai hai anh em đi mời những cô gái xinh đẹp khéo tay từ những buôn xa về giúp việc trong những ngày làm lễ.”. Chi tiết này cho ta thấy trong nghi lễ uống rượu cần thì người mở rượu cần phải là một cô gái. Một chi tiết nữa cũng trong tác phẩm này nói về tục uống rượu. Hai anh em đi khắp các buôn gần làng xa nhưng chỉ tìm được một cô gái. Về nhà bố mẹ hỏi, hai anh em liền thưa rằng: “Không tìm thấy được người con gái nào biết chọn củi loong mê nấu đượm, biết rót nước vào ché rượu cần mà không một giọt nào sánh ra ngoài”. Chi tiết này cho thấy đối với người K’Ho rót nước vào ché rượu phải là một cô gái trẻ đẹp khéo tay. Bởi người K’Ho quan niệm rằng rót nước vào rượu mà không đổ ra giọt nào thì gia chủ làm lễ cúng mới gặp được may mắn “Lúc K’Giơng mới từ trong nhà bước ra, trong tay cầm chiếc cher (một thứ gáo bằng đồng để múc nước đổ vào ché rượu cần) KGiăn sững sờ cả người. K’Giơng đẹp như một bông hoa rừng mới nở, cô gái mặc bộ quần áo đẹp nhất để tiếp khách quý”.
Rượu cần của người K’Ho càng để lâu năm càng ngon, càng quý. Vì thế, vị khách nào được gia chủ mang rượu cần lâu năm ra mời thì vị khác đó rất được mọi người coi trọng.
Trong truyện cổ K’Ho cũng có nói nhiều đến việc sử dụng rượu cần trong những dịp nào. Rượu cần trước hết được sử dụng để cúng Giàng như trong những truyện Nàng Ka Giơng, Chàng K’Pút con trai thần Mặt Trời, Cúng Giàng Kòi, Đánh trâu nước, Làng R’Lơm…; rượu cần được sử dụng trong nghi lễ cưới hỏi, ma chay, tiếp khách như trong truyện Nàng Ka Jong và con cá vàng, KTing và KTang cứu cha, Chàng trai K’Ho…
Có thể nói tục uống rượu cần và tục đánh chiêng là hai tục thường được nhắc đến trong truyện cổ. Những tục này là nét đẹp trong đời sống văn hóa của người K’Ho. Uống rượu cần trong tiếng chiêng tiếng trống, trong không khí hội hè nên con người càng trở nên gần gũi, gắn bó. Nếu có hiềm khích chuyện cũ, dịp này cũng bỏ qua để cùng nhảy múa tưng bừng. Nếu ai có lỗi lầm thì luật tục “phạt rượu”, cũng là cớ để cùng hòa giải, xóa bỏ lỗi lầm, để xóa đi cái mặc cảm mà hòa nhập trong sự cảm thông của cộng đồng. Nếu tiếng nhạc trong lễ cưới “kết đôi” đằm thắm thì trong tang lễ là buồn thương. Trong ngày hội tưng bừng, thì trong tế lễ trang nghiêm. Người uống rượu cũng tùy nghi lễ mà có cách mời chào, cách thưởng rượu khác nhau cho phù hợp.
Tục uống rượu cần gắn liền với sinh hoạt văn hóa, thành tục lệ không thể thiếu được trong đời sống của người K’Ho trong quá khứ và một phần hiện tại.
Nguồn: baolamdong
Leave a Reply