Văn hóa Nhà Rông trong đời sống văn hóa Tây Nguyên

Ở Gia Rai và KonTum có 7 dân tộc thì có 6 dân tộc có nhà Rông. Trong số 6 dân tộc này có 5 dân tộc thuộc ngôn ngữ Môn Khơ Me: BaNa, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Rơ Măm và BRâu.

Chỉ có dân tộc Gia Rai là thuộc nhóm ngôn ngữ Malaiô – Pôlynêxia. Ở mỗi buôn làng Tây Nguyên thường có ngôi nhà Rông nằm giữa trung tâm, nhưng cũng có buôn làng có tới 2 hoặc 3 nhà Rông. Quản lý và trụ trì nhà Rông là một tập thể “hội đồng già làng, điều khiển theo một tinh thần triệt để dân chủ, tuân thủ theo một tập quán pháp chặt chẽ gắng duy trì một trật tự lý tưởng, để nhịp sống trôi theo ý muốn của cha ông và của thần linh”(1).

Ngôi nhà Rông không chỉ là sản phẩm văn hoá đã được sáng tạo từ lâu đời mà còn rất độc đáo, mang sắc thái đặc thù lãnh thổ, không hề lẫn với bất kỳ miền vùng nào trên đất nước Việt Nam. Nhìn xa, ngôi nhà Rông như một lưỡi búa khổng lồ chĩa thẳng lên trời như thách đố với thời gian, với thiên nhiên khắc nghiệt, với cả bão tố chiến tranh,…Nhưng nhà Rông vẫn tồn tại, uy nghi giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ và cổ kính; nơi ấy giàu âm hưởng chất nhạc, chất thơ, huyền thoại sử thi… Tất cả cứ thấm đẫm vào tâm hồn và máu thịt con người, để rồi trở thành biểu tượng văn hoá của buôn làng Tây Nguyên.

Nhìn chung ngôi nhà Rông có rất nhiều chức năng; trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, trụ sở quản trị buôn làng, trung tâm  chỉ đạo sản xuất, chỉ huy chiến đấu nơi  chứng kiến vòng đời của mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc.

1- Nhà Rông là nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của buôn làng

Ở Tây Nguyên nhà Rông là nơi diễn ra nhiều nghi thức cúng lễ các loại thần. Mỗi loại thần đòi hỏi một nghi thức cúng lễ riêng. Các thần tạo hoá và thần cấp cao gọi chung là “ Yàng” được cúng ở nhà Rông.

Những nghi lễ liên quan đến sức khoẻ của buôn làng

Từ xưa đến nay, dịch bệnh vẫn là mối đe doạ với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Có những dân tộc còn lại số ít vài trăm người, cho nên sự cầu mong sức khoẻ, ít bệnh tật là một nhu cầu tất yếu của đồng bào. Muốn vậy, không có cách nào khác là phải cầu đến thần linh.

Lễ cầu an: từ lâu đồng bào các dân tộc đã biết dùng thuốc bằng cỏ, cây rừng. Nhưng đồng bào tin rằng có thần trú ngụ trong các cây thuốc đó. Nên hàng năm đã dọn dẹp, phát quang xung quanh làng và rào lại những cây thuốc quý, người ta mới tiến hành cúng các “Yàng” ở nhà Rông cùng ma quỷ ở cổng buôn làng để cầu mong cho dân làng khỏi bệnh tật ốm đau.

Lễ cúng khi buôn làng có dịch bệnh: nếu như trong làng có dịch bệnh, người ta phải làm lễ cúng nhà Rông để tẩy uế, cầu thần cho tai qua, nạn khỏi.

Lễ rửa xui: khi dân làng gặp phải điều gì rủi ro, chẳng hạn làng có người bị cọp bắt, ngã cây chết, chết đuối… Người ta phải cúng tại nhà Rông để “rửa xui” cầu an cho buôn làng.

Lễ cúng thần làng: sáng sớm vào những ngày đầu năm người ta ra suối bắt cá và đi kiếm rau rừng, đem rượu đến nhà Rông để già làng cúng các vị thần, cầu mong cho mọi người khoẻ mạnh, gia súc phát triển, mùa màng bội thu.

Những nghi lễ liên quan đến tạ ơn “Yàng”

Lễ dời làng và dời thần: khi có biến cố quan trong xảy đến cho dân làng, hội đồng già làng và dân làng họp tại nhà Rông quyết định dời làng và thần đến địa điểm mới. Người ta làm lễ tạ ơn thần giúp dân làng một chỗ ở mới tốt lành hơn.

Lễ mừng nhà Rông mới: sau khi nhà Rông đã được xây cất xong, người ta dựng cây gưng và làm lễ đâm trâu cúng lễ tạ ơn thần. Sau đó cùng nhau ăn uống, vui chơi , ca hát mừng nhà Rông mới.

Lễ chiến thắng: là lễ mà đối phương đến chuộc các tù binh và đền bù thiệt hại bằng một con trâu. Người ta giết con trâu đó (thế cho tù binh) để làm lễ tạ ơn thần chiến thắng.

Những nghi lễ liên quan đến sản xuất

Lễ cúng thần lửa: hàng năm trước khi trồng tỉa người ta cúng thần lửa để mong cây cối  phát triển trên nương rẫy cháy hết sạch để đỡ công rọn dẹp, có nhiều tro cho lúa tốt.

Lễ cúng thần nước: nước là yếu tố quan trọng bậc nhất để duy trì sự sống cho người , động vật và cây cối , nếu không có nước ắt không có sự sống nào diễn ra. Người ta thường làm lễ cúng thần nước vào những năm có hạn lớn, hoặc mưa lũ kéo dài có thể cản trở, phá hoại sản xuất và mùa màng. Lễ này được tổ chức cúng tại nhà Rông vào hai dịp chính mùa khô và mùa mưa.

Lễ cúng thần núi: thường được tổ  chức chung hai, ba buôn làng cùng thời điểm. Người ta cúng thần núi ở nhà Rông và tổ chức những cuộc thi tài: thi đánh trống, thi bắn cúng tên nỏ trúng mục tiêu di động, thi công hiệu của tên tẩm thuốc độc, tổ chức ăn uống vui chơi thâu đêm.

Lễ cúng thần lúa: lễ này có nhiều giai đoạn, có nghi lễ rước thần lúa ra nương rẫy, có  nghi lễ bảo vệ mùa màng… Họ cúng “Yàng” ở nhà Rông cầu cho lúa chắc hạt không bị thú rừng và thiên tai phá hoại.

Lễ ăn lúa mới: lễ này tổ chức rất long trọng, tương tự như tết nguyên đán của người Việt. Trong lễ này chủ yếu là cúng thần nông nghiệp, chưa cúng thì chưa được phép lấy thóc trong kho ra ăn. Nếu lấy ra ăn thì “Yàng” sẽ không phù hộ cho dân làng được mùa màng nữa.

2-  Nhà Rông là một trụ sở của bộ máy quản trị buôn làng

Lịch sử của các tộc người phát triển ngày càng phức tạp, cho nên cuộc sống thường ngày làm sao tránh khỏi những xích mích mâu thuẫn và nhất là khó bề giữ gìn không vi phạm các quy định  truyền thống. Mỗi khi có những vụ kiện cáo giữa các thành viên trong cộng đồng thì chủ làng và hội đồng già làng bàn bạc, thi hành những luật tục theo quy ước. Cách xử kiện thường được tổ chức theo “ lời phán quyết của thần linh thử bằng lửa và nước, thi tài lặn nước và nhai gạo”(1).

Xử kiện bằng thử nước và thử lửa: khi hai bên bị cáo và nguyên cáo không chấp nhận chứng cứ đưa ra, thì chủ làng và hội đồng già làng làm lễ cúng thần, sau đó tiến hành việc xét xử. Nếu bị cáo được xử một mình bằng cách thử lửa (cầm cục than đang cháy hồng trong tay), thử nước sôi (đun một nồi nước sôi, thả một vật chìm trong đó, lấy tay vớt lên), nếukhông bị bỏng thì bị cáo vô tội, bên nào bị bỏng là bên ấy thua. Trường hợp cả hai bên đều bị bỏng thì bên nọ đền bên kia một chén rượu cần để giảng hoà.

Xử kiện bằng thi tài lặn nước và nhai gạo: hai người kiện nhau đều phải nhảy xuống nước (sông, suối) người nào trồi lên mặt nước trước là thua kiện. Hai người cho gạo vào miệng nhai kỹ rồi nhả ra, bên nào còn sót hạt gạo chưa vỡ thì bên đó thua kiện. Nếu cả hai bên không còn sót hạt gạo nào thì đi đến giảng hoà.

Xử kiện tội loạn luân: luật tục của cư dân Tây Nguyên quy ước: tội loạn luân là tội một người đàn ông ăn nằm với một người đàn bà cùng một gia tộc, không kể cấp độ họ hàng. Muốn thoát khỏi tội này thì người phạm tội phải tự thú nhận trước dân làng và phải phạt vạ. Khi biết được hai “thủ phạm” dân làng họp nhau trước nhà Rông để tiến hành nghi lễ “phạt vạ” và “tẩy uế”. Buôn làng giết một con lợn và một con dê thay cho hai tội nhân. Chủ làng thay mặt dân làng làm chủ lễ, lấy máu của hai con vật bị giết, bôi lên lưỡi gươm và giả đâm qua đùi người đàn bà làm thành hai vệt máu đỏ tươi rồi khấn thần “Yàng ơi, xin Yàng hãy tách chúng ra như tách một bên heo và một bên chó. Hãy tha tội cho chúng nó và xin đổ mưa xuống”. Khấn xong người ta đổ thịt lợn và thịt dê đã nấu chín vào một cái máng, rồi bắt hai can phạm bò tới đó như loài bốn chân và dùng miệng ăn trong máng như súc vật. Cuối cùng người ta giết một con trâu cái (trâu, lợn, dê đều do người có tội nộp phạt) để cúng Yàng. Sau đó, già làng cầm một bình rượu cần màu đen và một con gà mái màu đen ra bờ sông để làm lễ “tẩy uế”. Người đàn bà và người đàn ông loạn luân lội xuống sông, suối quay xuôi theo dòng nước chảy (dòng nước sẽ cuốn trôi đi sự ô uế của họ), người đàn bà cởi váy, người đàn ông cởi khố, vất tất cả xuống nước cho trôi đi. Rồi hai người lên bờ, dân làng mặc cho họ váy và khố mới, coi như thế là họ đã được trong sạch. Xong lễ “ tẩy uế”, tất cả mọi người (kể cả tội phạm) kéo nhau về nhà Rông cùng ăn uống, ca hát, nhảy múa, tấu cồng chiêng thâu đêm.

3- Nhà Rông là trung tâm chỉ đạo sản xuất.

Hội đồng già làng họp với các chủ Nóc tại nhà Rông để bàn kế hoạch và chỉ đạo sản xuất, kể từ việc phân chia rừng rẫy cho đến việc trỉa hạt, suốt lúa, nhập kho, kể cả những nghi thức dẫn “ hồn lúa” về buôn làng. Mỗi một giai đoạn quan trọng trong quá trình sản xuất của một năm đều được tổ chức một số nghi thức cúng lễ tại nhà Rông.

Chọn rừng để phát rẫy: hội đồng già làng chọn được ngày tốt thì tiến hành khảo sát các khu rừng, nếu khu rừng nào ưng ý, già làng sẽ chặt một cây đót bói xem thần rừng có cho làm ở khu vực đó hay không. Nếu được, già làng chặt một cây bẻ gẫy ngọn cắm xuống khu vực đó làm “dấu chiếm hữu” đất đã có chủ. Thường khi đi chọn đất rẫy người ta cho một phụ nữ có thai đi theo để khi chọn được đất, người  này sẽ cầm dao chém xuống đất mấy nhát, đó là ý tưởng sau này rẫy sẽ tốt, không bị thú rừng phá hoại. Chọn được rừng rồi, những người đi chọn đất trở về làng, bẻ một cành cây tươi để ngang trước cổng làm dấu cấm kị – báo cho người ngoài làng biết trong làng đang có cử. Hội đồng già làng họp tại nhà Rông , cúng thần rừng bằng một ché rượu cần, với lời khấn: “cháy hết cây cỏ , lúa lên thật đều kê nhiều đầy kho, thú rừng đừng phá, chim rừng đừng ăn”(1) Rồi chọn ngày tốt, xem sao trên trời để đoán mưa nắng và kéo nhau đi phát rẫy.

Tổ chức đi phát rẫy: các dân tộc Tây Nguyên lấy ngày tổ chức đi phát rẫy là một ngày hội lớn của toàn thể buôn làng. Tại nhà Rông, người ta chọn ra ba già làng, hoá trang mỏ chim, màu sắc sặc sỡ, mang ba gùi than vào một chòi nhỏ làm cạnh nhà Rông. Mỗi gia đình phải nạp cho ba người này một nắm gạo tẻ, ba nắm gạo nếp, ba con chuột sống, ba con cua để họ dùng than nấu lên. Rồi dân làng cõng ba người này cùng với những thức ăn đã nấu sang nhà Rông để cùng nhau ăn uống và chia lại cho các gia đình, ăn xong ba người đó lại được cõng trở lại chòi. Dân làng đốt một bếp lửa dưới bó mía do các gia đình đóng góp. Nếu bó mía ấy cháy hết là điềm tốt. Sau đó mỗi gia đình bỏ vào gùi của ba người một cái rựa dùng để phát rẩy, và ngay tối hôm đó, ba người này mang gùi đi ra rừng ngủ.Trong ba ngày sau, họ phải đi hết khu rừng đã chọn để phát rẫy, những nhát dao phát đầu tiên làm dấu, rồi trở về buôn làng. Sau cùng mọi gia đình mới được tiến hành phát rẫy.

Lễ trỉa hạt: Lễ trỉa hạt cũng được tiến hành ở nhà Rông. Dân làng dựng một cây gưng (cây gưng thay cho bàn cúng) và cúng bằng một con gà hoặc một con lợn. Già làng, chủ nhà Rông, cầm con gà đập đầu nó vào cột gưng rồi buông xuống đất. Nếu đầu con gà quay về phía già làng là tốt, nếu đầu con gà quay ngược lại phía già làng là xấu, phải cúng lại. Cúng xong già làng lấy máu gà bôi lên gưng và cho một ít máu hoà vào máng nước. Tiếp đến mọi người kéo nhau vào uống rượu cần, nhảy múa, ca hát. Sau nghi thức này mọi người mới được trỉa hạt. Lúc đi trỉa hạt người ta chọn một người đàn bà làm (chủ gốc lúa) chọc bảy lỗ theo hình vòng cung quanh chòi rẫy rồi tra hạt vào cái lỗ đó. Trỉa xong rẫy người ta tổ chức ăn uống tại nhà Rông, một già làng cao tuổi nhất khấn: “Mọc đủ mọi hạt , mọc hết từng hạt, nở hết tất cả, trăng lên mây lên, sao đến mày đến, mọc từ hạt, nở từ trấu, mưa gặp mây phủ,…”(2) Đến khi lúa chín ,người ta tổ chức đi suốt lúa và rước lúa về buôn làng. Một ít bông lúa nặng hạt được dắt lên mái nhà Rông. Sau khi thu hoạch lúa xong, lễ mừng vụ mùa được tổ chức rất lớn tại nhà Rông.

4- Nhà Rông là trung tâm chỉ huy chiến đấu

Nhà Rông là nơi hội đồng già làng và dân làng cùng với các chiến binh  tổ chức, bàn bạc, và chỉ đạo những cuộc chiến đấu để bảo vệ buôn làng, để trả thù rửa nhục cho các thành viên trong cộng đồng bị các cư dân khác làm hại.

Phòng thủ bảo vệ buôn làng: hầu hết các làng được rào cẩn thận và  cắm chông bằng tre vót nhọn chĩa ra mọi hướng. Ra khỏi buôn làng là phải mang theo vũ khí và thường thăm dò ý kiến thần linh để biết có bị rơi vào sào huyệt của kẻ thù hay không. Tuy nhiên, họ vẫn lo lắng và để ý đến bất kỳ tiếng động khác lạ nào đáng nghi ngờ. Khi có tiếng trống báo động gióng lên liên hồi thì cả dân làng đều chuẩn bị tập trung tại nhà Rông, để đối phó với một cuộc tấn công có khi chỉ là một kẻ thù tưởng tượng, có khi là kẻ thù thật sự.

Tiến hành cuộc chiến: khi phải tiến hành giao chiến, hội đồng già làng tập trung dân chúng tại nhà Rông, bàn  bạc và dò hỏi ý kiến thần linh. Người thủ lĩnh quân sự chặt một rễ cây làm ba khúc, đặt lên lưỡi giáo, cho rơi từng khúc lên mặt khiêm và cầu khấn. Nếu các khúc rễ cây ấy quay về phía người ta mong muốn là dấu hiệu báo cho biết sẽ thắng lợi. Cả đoàn quân vận những bộ đồ đẹp, khố đẹp, áo đẹp cùng với vũ khí, lương thực, thuốc hút đủ cho vài ngày. Ra khỏi làng, họ vừa đi vừa nghe ngóng, nhất là khi họ thấy diều hâu bay lượn trên trời và tiếng kêu lanh lảnh của nó thì họ càng hăm hở tiến bước. Nếu tiến vào làng của đối phương, trước hết họ xông lên chiếm lấy nhà Rông vì đó là nơi quan trọng nhất, rồi mới đánh ra các nơi khác. Tù binh kể cả phụ nữ và trẻ em được giữ lại chờ đối phương đem trâu tới chuộc. Số trâu chuộc tù binh thường ngang hàng với số tù binh. Sau khi thắng trận, đoàn quân trở về buôn làng phải vứt bỏ những vũ khí đã chém giết người ở ngoài rừng, sau khi làm lễ chiến thắng họ mới ra lấy về đem xuống suối rửa sạch sẽ mới được đem vào nhà.

Lễ đón tiếp đoàn quân thắng trận:  dưới sự chỉ huy của già làng, để đón tiếp đoàn quân thắng trận, nhà Rông nổi trống ,các chiến binh diễu hành trong tiếng cồng chiêng vang động núi rừng, vừa đi vừa reo hò rồi tiến thẳng lên nhà Rông, dân chúng và già làng đã tề tựu đông đủ ở đó. Ngày đầu tiên, kể từ khi đoàn quân chiến thắng trở về, những ai tham gia chiến đấu đều phải ngủ tại nhà Rông, không được về nhà. Sau ba ngày ba đêm, người ta tiến hành những nghi thức làm lễ ăn mừng chiến thắng. Vậy, nhà Rông như một tổng hành dinh của buôn làng, nơi để thanh niên luyện tập chiến đấu, nơi hội đồng già làng bàn bạc và chỉ huy chiến đấu, nơi hành lễ chiến thắng cũng như khi thất bại.

5-  Ngôi nhà Rông là nơi chứng kiến vòng đời của mỗi thành viên

Ngôi nhà Rông là tâm điểm gắn bó với mỗi con người từ lúc sinh ra, thành đạt, lấy vợ lấy chồng và tham gia sinh hoạt cộng đồng.

Sự khởi đầu sinh đẻ của người mẹ: thường các bà mẹ ở Tây Nguyên phải chịu nhiều sự ràng buộc vào những luật tục cấm kị rất hà khắc. Người ta quan niệm máu của người sản phụ là một thứ rất ghê tởm, nó có thể gây ra tai hoạ khôn lường cho gia đình, buôn làng, cộng đồng. Luật tục quy định: sản phụ phải sinh đẻ ngoài làng, nhất là trường hợp sinh con không hợp lệ (chưa đủ một năm sau khi thành hôn), với với trường hợp này, sản phụ phải sinh hoạt ở ngoài làng trong thời gian mang thai và sinh đẻ. Sau khi sinh con được một tháng, sản phụ mới được đưa con về làng. Nhưng để đứa trẻ được gia nhập cộng đồng, bố mẹ phải nộp cho dân làng một con trâu, hai con lợn để cúng nhà Rông, cúng thần đất và máng nước.

Làm lễ đặt tên (thổi tai) và lễ thành đạt: có nơi người ta thường ăn mừng ba ngày liền, hai ngày đầu tiên được tổ chức ở nhà Rông và ngày thứ ba ở nhà đứa bé. Nơi khác làm lễ thổi tai và đặt tên cho con, người mẹ bế con đi một vòng trong làng hết nhà này đến nhà khác để ra mắt và nhận quà ,rồi ghé đến trước nhà Rông, sau đó mới bồng con về nhà. Khi đến tuổi vị thành niên con trai 16 tuổi, con gái 13 tuổi, người ta làm lễ “cà răng”, cà từ hai đến sáu cái răng cửa và thường được tổ chức trước nhà Rông. Sau lễ cà răng mới được coi là đã trưởng thành và được gia nhập cộng đồng người lớn.

Lễ tổ chức cưới xin: thông qua những ngày lễ hội ở nhà Rông, thanh  niên nam, nữ có dịp tìm hiểu nhau, ưng ý và yêu thương nhau đi đến hôn nhân. Hôn nhân do các cô gái chủ động tìm bắt chàng trai khiêng đến nhà Rông của phái nữ để ra mắt với người vợ tương lai của anh ta. Sau đó, người con gái chuẩn bị một trăm bó củi “hứa hôn”, người con trai phải có đủ một trăm con chuột (đã phơi khô) để tiến hành lễ cưới.

Lễ cưới được tổ chức trong ba ngày đêm liền. Một ngày ở nhà Rông, một ngày ở nhà vợ, một ngày ở nhà chồng, chủ yếu là ăn uống, ca hát, với một số nghi thức đơn giản. Được hai bên gia đình và cộng đồng chứng nhận, từ đó người con trai không phải ngủ ở nhà Rông nữa.

Ngôi nhà Rông là sản phẩm văn hoá lâu đời của các dân tộc Tây Nguyên, nó đóng một vai trò quan trọng như một trung tâm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, trung tâm chỉ đạo sản xuất, trung tâm chỉ huy chiến đấu, trung tâm chứng kiến vòng đời của mọi con người trong đời sống sinh hoạt cộng đồng và bảo lưu mọi giá trị văn hoá truyền thống.

Ngôi nhà Rông đẹp về kiến trúc độc đáo, nơi rung cảm cuốn hút mọi tâm hồn, cái độc đáo và cái đẹp tâm hồn chân chất Tây Nguyên đã hoà quyện làm nên chất liệu không gian văn hoá đặc sắc Tây Nguyên – ngôi nhà Rông.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>