Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng 2000 năm trước và chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc.
ục đích của đạo Phật là tiến tới giải thoát con người khỏi vòng luân hồi để đến một trạng thái tuyệt đối. Đó là cõi Niết Bàn. Muốn tới được Niết Bàn thì con người cần phải nhận thức rõ sự khổ đau của đời người tìm cách giải khổ qua Tứ diệu đế nhằm thoát khổ, giải thoát.
Điều quan trọng nhất của Phật giáo là dạy con người biết yêu thương chúng sinh và luôn hướng tâm nhằm giải khổ cho chúng sinh thoát khổ. Đạo Phật mở cho con người một đường đi để dẫn tới sự tự do, giải thoát. Với tư tưởng đó, đạo Phật đã có ảnh hưởng sâu sắc đến những quốc gia coi đạo Phật là nền tảng đạo đức con người. Đạo Phật vào Việt Nam từ sớm và nhanh chóng được nhân dân đón nhận. Trong lịch sử dân tộc, Phật giáo đã từng có giai đoạn trở thành quốc đạo, nhất là thời kỳ các triều đình phong kiến trọng dụng các vị tăng ni. Tín đồ, Phật tử của đạo Phật đã đồng hành cùng dân tộc trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Đến nay, đạo Phật vẫn giữ vai trò quan trọng đối với văn hoá, đạo đức, lối sống, tư tưởng của người dân Việt Nam. Tìm hiểu vai trò của Phật giáo trong cấu trúc văn hoá Việt Nam để thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa của Phật giáo trong đời sống văn hoá xã hội Việt Nam, góp phần xây dựng một xã hội đạo đức, văn minh, văn hoá.
1. Mối quan hệ giữa văn hoá Phật giáo với đời sống văn hoá ở nước ta
Phật giáo ở nước ta có vị thế đặc biệt so với các tôn giáo khác. Thời kỳ triều Lý – Trần là thời kỳ Phật giáo hưng thịnh nhất và trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Phật giáo đã phát triển đồng hành cùng dân tộc với hai hình thức văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể của Phật giáo.
Về mặt đạo đức, Phật giáo khác với Khổng giáo, Nho giáo. Nếu như Khổng giáo cứng nhắc, khuôn phép, Đạo giáo lại mơ hồ, cởi mở quá mức thì Phật giáo đã biết kết hợp hài hoà giữa con người với thiên nhiên, với vũ trụ, nên Phật giáo có ảnh hưởng lớn đến tâm thức dân tộc.
Về mỹ thuật, kiến trúc: Phật giáo để lại những công trình kiến trúc đẹp và ghi lại quá trình lịch sử mỹ thuật, kiến trúc Phật giáo, có phong cách riêng trong nền mỹ thuật, kiến trúc Việt Nam. Những công trình kiến trúc Phật giáo nổi tiếng như: tháp Báo Thiên, tượng chùa Quỳnh Lâm, đỉnh Phổ Minh, chuông Quy Điền, chùa Pháp Vân ở tỉnh Bắc Ninh, chùa Một Cột ở thành phố Hà Nội, chùa Sùng Nghiêm ở thành phố Hà Nội, tượng Quán Thế âm Bồ Tát ở chùa Bút Tháp – tỉnh Bắc Ninh, Đại hồng chung chùa Cổ Lễ, tỉnh Nam Định… để lại một nét đặc sắc về mỹ thuật và kiến trúc tôn giáo của Việt Nam.
Về văn học nghệ thuật: Phật giáo có hệ thống in chữ của chùa, hệ thống các tác giả là bậc tăng ni tu hành theo đạo Phật và các Nho sỹ có ảnh hưởng của đạo Phật. Những điều đó đã góp phần vào nền văn học nghệ thuật nước nhà mang màu sắc Phật giáo nhưng trên nền tảng văn học nghệ thuật của dân tộc Việt Nam.
Về đạo đức, lối sống: Phật giáo đã thể hiện triết lý nhân sinh sống phải tu thân tích đức, làm điều thiện, điều lành, hướng con người tới ứng xử nhân văn, cao đẹp. Hình ảnh ông Bụt luôn xuất hiện trong những câu chuyện cổ tích dân gian phản ánh triết lý sống nhân duyên, nghiệp nhân quả “ở hiền gặp lành”.
Như vậy, Phật giáo Việt Nam đã được văn hoá hoá trở thành văn hoá Phật giáo trong nền văn hoá nước nhà. Nghiên cứu đạo đức Phật giáo để nhận thấy sự hình thành nhân cách, đạo đức con người Việt Nam trong thời đại hiện nay. Sự ảnh hưởng của Phật giáo thấm sâu vào người dân Việt Nam. Không chỉ riêng gì dân tộc Việt, các dân tộc (tộc người) khác trong cộng đồng các dân tộc anh em cũng thấy rõ ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống văn hoá con người, nhất là trong lĩnh vực tinh thần.
Chắc ai là công dân Việt Nam cũng đều nghe tiếng chuông chùa hoặc tiếng kinh, tiếng mõ của nhà chùa. Nhất là ở vùng đồng bằng thì mỗi làng xã ở Việt Nam đều có ngôi chùa Phật giáo. Hình ảnh mái chùa từ nhỏ đã thấm vào mỗi con người Việt Nam nên trong những dịp lễ hội như ngày Phật đản, ngày rằm tháng 7 Vu lan báo hiếu, ngày rằm trung thu hoặc ngày lễ tết của dân tộc, sân chùa là nơi tụ tập mọi người để chung vui. Chùa là nơi để thờ Phật, là chốn linh thiêng, thanh tịnh để tín đồ, Phật tử mỗi tháng hai lần dâng hương đăng hoa trà quả lễ Phật. Trước kia, những sản vật dâng lên cúng Phật xong thường được đem phát chẩn cho người nghèo khó. Như vậy, ngôi chùa truyền thống có ý nghĩa nhân văn rất lớn. Đó là nơi để người giàu có san sẻ với những người nghèo khó. Hiện nay, Phật giáo nước ta vẫn đang thực hiện được điều này góp phần cùng xã hội thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh và làm tốt công việc từ thiện, nhân đạo, cứu đói trợ nghèo để lại thiện tâm cho chúng sanh hướng đến cửa Phật.
Theo ngôn ngữ thì chữ “chùa” là chữ Nôm, chùa được ghi là bằng chữ “Trù”. Chùa là âm tiền Hán – Việt của chữ Trù. Trù có nghĩa là bếp, tiếng Hán hiện đại, trù phòng có nghĩa là nhà bếp, nơi ấm áp, yên bình nhất trong nhà mỗi gia đình. Suy rộng ra nghĩa là nơi nào ấm áp, yên bình nhất trong xã hội là chùa. Như vậy, chùa là nơi con người được san sẻ cả về tinh thần lẫn vật chất nên nó mang một ý nghĩa từ ngữ cao đẹp, nhân văn. Đến với chùa con người trở nên thư thái, tĩnh tâm cả về tâm hồn và thể xác hướng tới những điều thiện tâm, quên đi những khó khăn, khó nhọc của cuộc đời. Nên mỗi khi có công việc, có chuyện gì người Việt Nam vẫn có thói quen đi lễ chùa vừa vui cảnh người, vừa lấy lại thăng bằng về tinh thần trong cuộc sống hàng trăm mối lo toan gia đình, xã hội.
Chúng ta còn hay dùng khái niệm “chùa chiền”. Vậy, chùa chiền là chỉ chung những thắng cảnh Phật giáo. Theo âm Hán là “Triền” có nghĩa là chỗ ở của người dân nói chung. Như vậy, chùa chiền chỉ thắng cảnh nói chung. Trong đó, chùa là trung tâm của thắng cảnh đó. Theo tiếng Hán, chùa tương đương với chữ Tự, còn chiền tương đương với chữ Sát. Qua tìm hiểu về ngôn ngữ cho thấy văn hoá Phật giáo đã được nhân dân ta Việt hoá cao trở thành một bộ phận văn hoá của người Việt Nam. Tuy có vay mượn ngôn ngữ nhưng đã ý thức sử dụng theo văn hoá của người Việt, mang tư tưởng nhân văn của dân tộc Việt rất gần gũi với đời sống con người Việt Nam.
2. Ảnh hưởng của Phật giáo đến chính trị – xã hội
Phật giáo khi vào Việt Nam nhanh chóng được nhân dân đón nhận tin theo. Vào thời Đinh, Phật giáo bắt đầu được trọng dụng. Vua Đinh Tiên Hoàng khởi nghiệp lên ngôi vua thống nhất đất nước, đóng đô ở Hoa Lư. Vua đã mời tăng sư Ngô Chân Lưu trụ trì chùa Trấn Quốc, thành phố Hà Nội giúp vua làm mưu sỹ, tham dự công việc nội chính và ngoại giao. Đinh Tiên Hoàng tôn trọng Ngô Chân Lưu và phong ông là Khuông Việt Thái sư và giữ chức Tăng thống. Thời Tiền Lê có vị sư Đỗ Pháp Thuận làm mưu sỹ đắc lực cho vua Lê Đại Hành. Đến thời Lý, nhà sư Vạn Hạnh đã giúp vua trong việc chủ trương rời kinh đô ra Thăng Long và có nhiều đóng góp cho đất nước trong việc xây dựng và chống giặc ngoại xâm. Vua Lý Thái Tổ chủ trương phát triển Phật giáo cho xây dựng nhiều chùa chiền trong nước, sai sứ sang Trung Quốc thỉnh kinh Tam Tạng. Nhiều vị vua thời Lý đã tu hành theo Phật giáo như Lý Thái Tông theo thiền phái Vô Ngôn Thông; Lý Thánh Tông theo thiền phái Thảo đường, Lý Anh Tông và Lý Cao Tông cũng theo thiền phái Thảo đường thế hệ 3. Thời Lý có nhiều vị sư nổi tiếng đức cao, đạo trọng như Vân Phong, Khuông Việt, Thảo Đường, Thông Biện, Viên Học, Tinh Không, Không Lộ, Đạo Hạnh, Minh Không, Giác Hải. Đa số các vị sư này đều có nhiều công lao với đất nước được vua ban phong làm quốc sư. Dưới triều Lý, đạo Phật hưng thịnh nhiều chùa chiền và sư sãi rất đông nên chùa có tiềm lực kinh tế mạnh. Đường lối an dân, trị nước của các vị vua triều Lý đã ảnh hưởng lớn bởi triết lý từ bi của nhà Phật. Thời Lý, vua coi dân như con rất gần gũi và chăm lo đời sống nhân dân nên đã huy động được sự đoàn kết, nhất trí trong dân đánh thắng giặc ngoại xâm hùng mạnh, bảo vệ độc lập đất nước. Trong hai trăm năm trị vì, triều Lý trở thành triều đại oanh liệt trong lịch sử nước nhà.
Thời Trần, tinh thần Phật giáo lại được kế thừa với màu sắc mới. Vua Trần Thái Tông và vua Trần Nhân Tông trở thành những thiền sư tu hành theo phái Trúc Lâm đồng thời trở thành những vị vua tài giỏi. Thiền sư Phù Vân, thiền sư Huyền Quang trở thành những hoà thượng giúp các vị vua triều Trần dựng nước và giữ nước thành công. Tư tưởng Phật giáo nhập thế của các vị vua theo đạo Phật đã có ảnh hưởng sâu sắc trong dân chúng, giúp con người hướng thiện, góp phần ổn định xã hội. Về mặt tôn giáo, điều đó làm cho Phật giáo phát triển thể hiện sự gắn bó giữa đạo với đời một cách chặt chẽ. Trần Nhân Tông được tín đồ Phật giáo gọi là Phật hoàng Trần Nhân Tông để thể hiện sự tôn kính của con người vừa là vua, vừa là người sáng lập, đệ nhất tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Trần Nhân Tông trở thành tấm gương sáng trong lịch sử nước nhà thời Đại Việt đã lãnh đạo đất nước thắng lợi trong hai lần chống quân Nguyên Mông xâm lược, giữ vững chủ quyền dân tộc. Trần Nhân Tông lấy đạo pháp như một phương tiện để phục vụ dân tộc.
Cả hai thời Lý – Trần đều lấy Phật giáo là chủ đạo về tâm linh với tinh thần văn hoá quốc gia, các vị vua đã đưa Phật giáo vào đời sống đạo đức, chính trị, xã hội của quốc gia và của chính triều đại mình.
Như vậy, tư tưởng Phật giáo đã gần gũi với tư tưởng của các triều đại phong kiến nước nhà, lấy tư tưởng của Phật giáo để làm nền tảng trị nước an dân và đã có những kết quả tốt đẹp trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đặc biệt là, dưới triều đại Lý – Trần, Phật giáo có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống và đời sống chính trị lúc bấy giờ. Phật giáo đã hoà mình với dân tộc, gắn bó với dân tộc, các thiền sư đã xuất gia nhưng vẫn nhập thế để giúp đời, giúp nước, giúp dân bằng trí tuệ, hiểu biết của mình góp phần đắc lực vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ độc lập tự chủ của dân tộc.
3. Phật giáo với đạo đức truyền thống dân tộc
Với tư tưởng đạo đức từ bi hỉ xả, bình đẳng vô ngã, vị tha, Phật giáo vào Việt Nam với tinh thần hoà đồng với các tôn giáo, tín ngưỡng và trở thành một trong những bộ phận của văn hoá dân tộc. Tư tưởng thương yêu, vị tha, bác ái của đạo Phật đã trở thành sức mạnh và động lực liên kết các dân tộc, công dân Việt Nam trong quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Sự từ bi, khoan dung của đạo Phật cùng với tinh thần yêu nước, nhân văn của dân tộc trở thành chủ nghĩa yêu nước cao đẹp. Tinh thần cứu khổ, cứu nạn là tinh thần hi sinh vì đồng loại vì cộng đồng để bảo vệ xóm làng, bảo vệ Tổ quốc trước giặc ngoại xâm. Lòng yêu nước đã trở thành giá trị hàng đầu trong thước đo giá trị của phẩm chất con người Việt Nam. Đạo đức Phật giáo trong triều đình phong kiến được các vị vua quan tâm nên hàng ngày phải trau dồi, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Các vị vua nhà Lý sống cuộc đời đạo hạnh, yêu nước, thương dân và trọng đạo, mến Phật thể hiện đức hiếu sinh và triết lý từ bi của đạo Phật.
Đạo Phật trở nên rất gần gũi với người dân Việt Nam, triết lý Phật giáo nói về sinh lão bệnh tử của con người theo sự hợp lý của quy luật tự nhiên mà con người nhận thấy. Đạo Phật dạy con người phải biết từ bi, sống không có thù hận, oán hờn, hướng con người đến cái tâm và theo nếp nghĩ của người Việt “ở hiền gặp lành”, “ác giả, ác báo”, “nhân nào quả ấy”… Triết lý đó tưởng là kinh nghiệm của cuộc sống, của cha ông nhưng thực ra đó là triết lý nhân quả của đạo Phật. Nếu như đạo đức Nho giáo rất khuôn phép chỉ dành cho tầng lớp trên, biết chữ thánh hiền thì Phật giáo lại gần gũi hướng tới những người bình dân, với nghi thức, triết lý giản dị, dễ hoà nhập vào cuộc sống. Như vậy cho thấy đạo đức Phật giáo phù hợp với đạo đức con người Việt Nam, là sự hoà hợp giữa đạo và đời, giữa tư tưởng đạo đức Phật giáo với tính cách đạo đức con người Việt Nam.
Tiểu kết
Ngay từ buổi đầu du nhập vào Việt Nam, Phật giáo dễ dàng hoà nhập với tín ngưỡng truyền thống Việt Nam và được bản địa hoá để trở thành tôn giáo phổ biến của người Việt, làm phong phú thêm nền văn hoá dân tộc, có vai trò quan trọng tạo nên cấu trúc văn hoá Việt Nam.
Với triết lý từ bi, bình đẳng khuyến khích con người theo cái thiện, loại trừ cái ác, Phật giáo dễ dàng chinh phục lòng người. Phải chăng con người Việt Nam sẵn có lòng khoan dung, đức độ, nhân ái khi gặp được đạo Phật với triết lý tư tưởng gần gũi với dân tộc nên được đón nhận mạnh mẽ và trở thành một trong những tôn giáo lớn tại Việt Nam. Chính điều này đã được lịch sử dân tộc chứng minh khi các vị vua đứng đầu một quốc gia lại mượn tư tưởng của Phật giáo để cai trị, điều hành đất nước. Vai trò và ảnh hưởng của Phật giáo trong thời kỳ độc lập tự chủ dân tộc đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Đạo đức Phật giáo được sử dụng trở thành chuẩn mực về đạo đức con người Việt Nam. Ngay cả những vị vua thời Lý – Trần cũng xuất gia tu hành theo đạo Phật. Hình ảnh các vị vua theo đạo Phật làm ảnh hưởng sâu sắc đến quần chúng nhân dân và họ đã lựa chọn cho mình một tôn giáo phù hợp với điều kiện tu hành, phù hợp với lối sống, văn hoá dân tộc đồng thời cũng mang bản sắc văn hoá Việt Nam. Đó là tu hành nhưng vẫn nhập thế giúp đời, giúp vua trị nước an dân. Tầng lớp tăng ni đã góp phần không nhỏ trong việc tham mưu cho các quan và vua thời Lý – Trần trong việc triều chính. Họ trở thành những vị sư có công lao gây dựng Phật giáo phát triển.
Ngày nay, Phật giáo Việt Nam vẫn giữ được truyền thống theo văn hoá dân tộc. Tuy nhiên, trước những tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, sự phát triển nhanh về kinh tế, xã hội đã có những biến đổi trong văn hóa dân tộc và ảnh hưởng nhất định đến Phật giáo./.
Hoàng Minh Thiện
Cùng Danh Mục:
Liên Quan Khác
Leave a Reply