Hình ảnh ngôi chùa trong đời sống văn hóa của người Khmer Nam Bộ
Toàn vùng cư trú của người Khmer ở Nam Bộ có khoảng 600 ngôi chùa, mỗi ngôi chùa quy tụ trên dưới 1.600 dân, với khoảng 10.620 sư sãi, trong khi đó dân tộc Khmer chỉ có hơn 1 triệu người. Người Khmer, từ khi chào đời, đến khi trưởng thành rồi về già mọi sự vui, buồn, sướng, khổ đều gắn chặt với ngôi chùa. Cho dù cuộc sống vật chất còn nghèo nàn, cơm ăn, áo mặc chưa đủ, sống trong ngôi nhà lá, nhưng người Khmer vẫn dồn hết tâm lực để xây dựng ngôi chùa khang trang lộng lẫy. Mỗi ngôi chùa là một công trình kiến trúc độc đáo, tiêu biểu, tề chỉnh trong khuôn viên, ẩn mình dưới những tán lá của cây dầu, cây thốt nốt. Vì thế, ngôi chùa trở thành trung tâm sinh hoạt tôn giáo, trung tâm tu luyện và trụ trì của sư sãi, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, trung tâm lưu giữ giá trị văn hoá lịch sử của người Khmer. Ngôi chùa kết tụ tạo nên một không gian “thiêng” đặc sắc về văn hoá Nam Bộ Việt Nam.- Ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt tôn giáo
Chùa của người Khmer chỉ thờ duy nhất Đức Phật Thích Ca Mầu Ni ở chính điện, nơi đặt tượng Phật cao và to nhất trên bệ thờ. Cuộc đời thái tử Tất Đạt Đa sinh vào khoảng 560-480 trước công nguyên, con vua nước Tịnh Phạn (Nê Pan ngày nay) đã dứt bỏ cuộc sống giàu sang trong hoàng cung, chọn đường tu nghiệp khổ hạnh, tìm ra tứ diệu đế – “bốn chân lý” cao siêu: Khổ, Tập, Diệt, Đạo đế.
Khổ đế: đời là bể khổ, khổ đau là tuyệt đối, là bản chất của tồn tại. Sinh, lão, bệnh, tử là khổ. Còn khổ đau là tồn tại, còn tồn tại là còn khổ đau…
Tập đế: Nguồn gốc sinh ra mọi khổ đau của con người đó là tham, thâm, (lòng tham giàu, quyền lực, thể xác)
Diệt đế: Đi tu (vô ngã, vô thường), diệt hết dục vọng tham, thâm, si của con người để đạt tới chân lý “Quang Minh”.
Đạo đế: Bát chính đạo đó là: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tịnh tiến, chính niệm, chính định.
Có thể nói lý tưởng sống truyền thống của người Khmer là đạo Phật. Phải rèn luyện theo đạo pháp cao siêu “tứ diệu đế”. Theo quy định, sư sãi thường ngày phải tụng kinh tại chùa ba cữ: sáng, trưa và chiều tối. Còn dân thường, mỗi tháng phải lên chùa tụng kinh niệm Phật ít nhất 6 ngày (ngày 5, 8, 15, 20, 13, 30 âm lịch hàng tháng). Ngôi chính điện là nơi cử hành những cuộc lễ lớn: lễ Phật đản, lễ nhập Hạ, lễ xuất Hạ, lễ Ban hành giáo lý, lễ cầu siêu được tổ chức trong chùa. Ngoài ý nghĩa là trung tâm thờ Phật, chính điện còn là nơi tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc của người Khmer.
– Ngôi chùa là trung tâm tu luyện và trụ trì của sư sãi
Mỗi người con trai Khmer, bất kể thuộc tầng lớp xã hội nào đều phải đi tu để là người có nhân cách, có phẩm chất và đạo đức tốt theo quan niệm của họ. Về nguyên tắc, đi tu từ 12 đến 20 tuổi gọi là để trả ơn mẹ và từ 21 tuổi trở lên là trả hiếu cha. Họ xem việc đi tu vừa là nghĩa vụ, vừa là vinh dự của cuộc đời. Tu dài hay ngắn, tu vĩnh viễn hay hoàn tục, tuỳ ý của người con trai. Mới hôm qua còn tại gia, người con trai phải vâng lời cha mẹ, nhưng chỉ ít sau lễ “quy y tại chùa”, khoác áo màu vàng, người con trai thành vị sư và ngay lập tức, vị trí xã hội thay đổi. Cha, mẹ gặp con lúc ấy phải quỳ lạy sùng kính, vì đứa con đã là một trong “Tam bảo” của nhà Phật. Vì thế, ngôi chùa là trung tâm “tu luyện” các thế hệ thanh niên về đạo đức và nhân cách.
Các vị chức sắc: Đại Đức, Thượng Toạ, Mê Kôn, sãi cả, sãi phó có quyền uy tinh thần rất lớn đối với nhân dân. Các vị sư sãi được nhân dân sùng kính, bởi vì họ là những người trí thức dạy dân học chữ, học nghề, tổ chức cuộc sống cho nhân dân, đám cưới, đám tang. Khi gia đình có người ốm đau, bệnh tật, thiên tai, hoạn nạn đều có mặt các vị sư chia bùi sẻ ngọt, tụng kinh làm phước. Họ đã đến với dân chúng trong những lúc khó khăn nhất mà không cần bất cứ điều kiện nào nên sư sãi gắn bó ruột thịt với nhân dân.
Thông thường mỗi sóc của người Khmer có một ngôi chùa. Mỗi ngôi chùa trung bình có từ 15 đến 30 vị sư sãi, thậm chí có chùa có tới 100 vị sư sãi. Đời sống của các vị tu hành được duy trì bằng sự quyên góp. Được cúng tiến của cải xây chùa, nuôi các vị tu hành là một vinh dự, một hạnh phúc, một niềm tự hào trong cuộc sống của người Khmer.
– Ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt cộng đồng
Từ những ngày lễ hội thuần tuý Phật giáo như: lễ Phật Đản, lễ nhập Hạ, lễ xuất Hạ, lễ Ban hành giáo lý, lễ cầu siêu, lễ hội dân tộc đến việc biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt vui chơi và cả sinh hoạt cộng đồng phum, sóc cũng diễn ra ở chùa. Chùa không chỉ đơn thuần là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá, xã hội.
Lễ hội thường kéo dài suốt đêm và trong nhiều ngày. Trong những ngày lễ, nhất là ban đêm, chùa đông nghịt tín đồ, khách khứa. Hàng quán mọc lên đầy sân chùa. Sinh hoạt vui chơi như đá cầu, ném tạ ăn tiền, chơi cù, nhảy lưới, giấu khăn, bịt mặt bắt dê, đánh đáo, kéo co… và các lễ đọc kinh, cầu nguyện kéo dài tới 2 đến 3 giờ sáng mới chấm dứt, rồi lại tiếp tục đến ngày hôm sau.
Lễ hội thường gắn với các hình thức văn nghệ truyền thống của dân tộc. Nghệ thuật cổ truyền của người Khmer được phát huy tác dụng: sân khấu truyền thống Dù Kê, Rô Băm, múa dân gian như Sarikakeo, Saravan, Romvông được các nghệ nhân chuyên nghiệp, hoặc nghiệp dư đua tài biểu diễn “làm phước” đúng như nội dung của lễ hội. Các buổi trình diễn văn nghệ này mang đầy bản sắc văn hoá dân tộc và khẳng định ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt cộng đồng.
– Ngôi chùa là trung tâm lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hoá
Có thể nói, chùa nào của người Khmer cũng bao gồm một hệ thống thiết chế văn hoá: thư viện – nơi tàng trữ các loại thư tịch cổ, bảo tàng mỹ thuật và lịch sử – nơi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, trường học chữ và bản thân kiến trúc của chùa cũng là một công trình văn hoá
Chùa bao giờ cũng được xây dựng ở cao ráo và bằng phẳng. Ngôi chính điện được quy định luôn luôn quay về hướng mặt trời mọc. Chính điện còn là nơi tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc trang trí của người Khmer. Tượng Phật Thích ca Mâu Ni còn được đúc, chạm, khắc rất đẹp ở nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi. Đó là thể hiện sự đa dạng, phong phú của ý nghĩa đạo đức và vẻ đẹp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ở ngôi chính điện còn là nơi tàng giữ của cải quý báu của nhà chùa và dân chúng dâng cúng.
Mỗi ngôi chùa được xây dựng đều dựng bia kỷ niệm. Qua đó, giúp mọi người hiểu được lịch sử của ngôi chùa gắn bó, quy tụ con người thành cộng đồng phum, sóc từ buổi đầu khai hoang, lập ấp.
Ngôi chùa nơi giữ truyền thống văn hoá của người Khmer, thông qua các lễ hội văn hoá, nghệ thuật ca,múa,nhạc, làm sống động quá khứ – hiện tại – tương lai, làm rung động biết bao trái tim và tâm hồn con người Khmer trong cuộc sống.
Cả cuộc đời một con người từ lúc sinh ra đến lúc chết đi, mọi vui, buồn, sướng, khổ,thành, bại đều gắn chặt với ngôi chùa. Ngôi chùa đối với người Khmer mang một tình cảm sâu sắc vì chùa là nơi thờ phật, nơi lưu giữ hài cốt của tổ tiên, và điều ước mong của con người đang sống là khi nhắm mắt xuôi tay được nhập tịch vào chùa để sống cuộc đời Tiên Phật trên cõi niết bàn xa xăm.
700 năm trôi qua, triết lý Phật giáo thấm đẫm thể xác và tâm hồn con người Khmer “đi cũng thiền, ngôi cũng thiền, trong lửa lò hồng một đoá sen”. Lò lửa hồng đã nhào nặn tâm hồn con người Khmer “lòng gương trong sáng bụi không mờ” và “cao đẹp ngời sáng ánh trăng rằm” với cuộc sống thanh cao, giản dị tựa hoa sen Tháp Mười.
Ngôi chùa, sư sãi, phật pháp là “ba viên viên ngọc quý” toả sáng, tạo nên hình ảnh làng quê Nam Bộ Việt Nam, một không gian văn hoá Phật đặc sắc. Tiếng chuông chùa ngân vang, tiếng gõ mõ đều đều nhịp, tiếng đọc kinh của sư sãi hoà trong mùi thơm của hương hoa, dồn tụ thành cuộc sống linh thiêng của ngôi chùa người Khmer Nam Bộ .
Từ những ngôi chùa của người Khơ Me Nam Bộ, ta lại liên tưởng đến không gian văn hoá chùa ở Bắc Bộ như chùa Trăm gian, chùa Tây Phương, chùa Bút Tháp, chùa Keo, chùa Vạn Phúc… Đó là những công trình kiến trúc tuyệt đẹp, “lắng đọng hồn sông núi”, tạo nên tâm hồn Việt: bình đẳng, từ bi, nhân ái, vị tha.
Nguyễn Đăng Văn
Leave a Reply