Tìm hiểu những tôn giáo đồng hành với lịch sử dân tộc
Là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của công dân Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và được bảo đảm trên thực tế, được tất cả những người có lương tri trong nước và trên thế giới thừa nhận.
Điều 70, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, ghi rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Cùng với việc khẳng định trong Hiến pháp, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các pháp lệnh, nghị định, đặc biệt là Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo khuôn khổ pháp luật.
Ở Việt Nam có hầu hết các tôn giáo lớn với đông đảo tín đồ, chức sắc, nhà tu hành. Đến hết năm 2012, ở Việt Nam có 13 tôn giáo với 36 tổ chức tôn giáo và 1 pháp môn tu hành đã được Nhà nước công nhận, cấp đăng ký hoạt động, với gần 24 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), 83.000 chức sắc, 250.000 chức việc, 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo. Hơn 25.000 cơ sở thờ tự trên mọi miền đất nước, trong đó có nhiều công trình được trùng tu, xây mới bền vững, khang trang. Cùng với việc công nhận tư cách pháp nhân, mở mang cơ sở thờ tự, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều xây dựng đường hướng hoạt động tiến bộ: gắn bó, đồng hành với dân tộc, hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật, ủng hộ và tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quan hệ quốc tế trong tôn giáo cũng ngày càng được mở mang, cải thiện. Nhiều giáo hội không chỉ gửi người trẻ tuổi đi đào tạo ở nước ngoài mà còn tham dự hàng loạt các hội nghị tôn giáo quốc tế, tiếp nhận các chương trình đầu tư hoạt động từ thiện của các tổ chức tôn giáo quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, v.v…
Tại cuộc Hội thảo quốc tế “Tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập – Những kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ” do Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Liên minh châu Âu tổ chức ngày 14 – 6 – 2012, tại thành phố Hà Nội, cố vấn chính trị Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Juan-Jose Almagro Herrador đã phát biểu: “Thời gian qua, Việt Nam đã có những bước phát triển rất quan trọng về tự do tôn giáo và tín ngưỡng”. Mới đây, Tổng Giám mục Leopoldo Girelli – Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam đã đến thăm Mục vụ Giáo hạt Quảng Trị và Tổng giáo phận Huế. Chứng kiến những đổi thay trong hoạt động tôn giáo trên địa bàn, Đặc phái viên Leopoldo Girelli bày tỏ lòng biết ơn về sự quan tâm của chính quyền đã dành cho Giáo hội Công giáo nói chung, Giáo phận Huế và Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang nói riêng như: Ưu ái giao đất, mở rộng cơ sở thờ tự và làm đường sá thuận lợi cho việc đi lại của giáo dân… Từ những điều tận mắt chứng kiến, Đặc phái viên nhắc nhở cộng đoàn “phải có bổn phận và trách nhiệm đối với xã hội, đối với chính quyền, đối với địa phương mình đang sinh sống, sống công bằng, yêu thương và phục vụ…”.
Trong buổi tiếp đoàn Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tới thăm, chúc mừng nhân Lễ Phật đản 2013, với niềm hoan hỷ Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với hoạt động của Giáo hội. Theo Đại lão Hòa thượng, sự quan tâm ấy là cơ sở cho những kết quả phụng đạo yêu nước của tăng ni, phật tử Phật giáo Việt Nam thời gian qua. Kính mừng Đại lễ Phật đản, tăng ni, cư sĩ, phật tử các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn thành tâm, tinh tấn nỗ lực thực hiện tốt công tác Phật sự ích đời lợi đạo, góp phần xây dựng cuộc sống an lạc, yên vui, hạnh phúc… Chỉ cần điểm qua những nét cơ bản ấy đã đủ thấy bức tranh tôn giáo ở Việt Nam là rất sáng sủa. Mọi tôn giáo ở Việt Nam đều được tạo điều kiện để phát triển, hoạt động theo quy định của luật pháp. Mọi giáo dân chân chính đều phấn đấu sống “tốt đời, đẹp đạo”, gắn “đạo” với “đời”, các tôn giáo đồng hành với dân tộc.
Trong một báo cáo gần đây, cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” viện dẫn một số trường hợp công dân Việt Nam theo các tôn giáo vi phạm pháp luật bị các cơ quan bảo vệ pháp luật áp dụng các biện pháp xử lý, để rồi nói rằng: “Việt Nam đàn áp tôn giáo” là một sự xuyên tạc, vu cáo trắng trợn. Cần nhắc lại rằng, không chỉ ở Việt Nam mà với mọi quốc gia trên thế giới, tôn giáo không thể đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật. Giáo dân trước hết là công dân, mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật. Khi phạm vào các tội được quy định trong pháp luật, thì dù công dân đó có đạo hay không có đạo đều chịu sự trừng phạt của pháp luật một cách bình đẳng. Tự do tôn giáo không thể bị đánh lận với những đối tượng lợi dụng tôn giáo để thực hiện hành vi phạm pháp, bị điều tra, truy tố, xét xử. Ở Việt Nam không có chuyện đàn áp tôn giáo, mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam bị xử lý mà thôi.
PHÙNG KIM LÂN
Leave a Reply